14:10 11/12/2023

Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm

Thủy Diệu

Chiếc ổ điện, phích cắm tưởng chỉ là những vật vô tri nhưng tại nhà máy Tsu của công ty Panasonic Electric Works thuộc Tập đoàn Panasonic tại Mie, Nhật Bản lại hiện lên một cách sinh động và mang “hồn cốt thời gian” của doanh nghiệp đang cung cấp tới 80% sản phẩm thiết bị nối dây cho đất nước mặt trời mọc, và cũng đang đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam với nhà máy tại Bình Dương sẽ đi vào hoạt động năm 2024 có công suất gấp 1,8 lần so với mức hiện tại…

nhà máy Tsu của công ty Panasonic Electric Works thuộc Tập đoàn Panasonic tại tỉnh Mie, Nhật Bản - Ảnh: T.Diệu
nhà máy Tsu của công ty Panasonic Electric Works thuộc Tập đoàn Panasonic tại tỉnh Mie, Nhật Bản - Ảnh: T.Diệu

Nhật Bản đang vào một trong những mùa đẹp nhất năm. Những con phố, công viên với những rặng cây đã chuyển sắc sang màu đỏ, vàng và cam sặc sỡ. Thành phố Osaka, nơi có trụ sở tập đoàn Panasonic tới nhà máy Tsu hơn 100 km cũng trải qua những cung đường với những vạt cây vàng đỏ đẹp nao lòng.

Nhà máy Tsu của Panasonic Electric Works tại tỉnh Mie, miền nam Nhật Bản với diện dích hơn 100.000m2. Nhà máy gồm 4 tầng. Tầng 1 sản xuất, chế biến kim loại và tầng 4 sản xuất nhựa hoàn toàn bằng robot, tầng 2 và tầng 3 là lắp ráp, kiểm tra và đóng gói. Dù vậy, nơi đây không chỉ để sản xuất mà còn lưu giữ lịch sử văn hóa, hành trình phát triển của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới với không gian rộng rãi trưng bày các thiết bị trong hơn 100 năm thành lập.

LỊCH SỬ TRĂM NĂM

Tiền thân của Tập đoàn Panasonic là Công ty Konosuke Matsushita, được thành lập 1918 bởi ông Konosuke Matsushita (1894 – 1989), với sản phẩm kinh doanh đầu tiên của hãng là chuôi đèn và phích cắm điện.

Đại diện Panasonic Electric Works giới thiệu với đoàn tham quan đến từ Việt Nam, cho biết sản phẩm sơ khai của Panasonic là chuôi đèn một bóng. Ở thời kỳ này các gia đình tại Nhật Bản đều đã bắt đầu sử dụng điện tuy nhiên việc sử dụng điện chỉ bắt nguồn từ một nguồn điện duy nhất vào nhà là từ đường dây bóng đèn được gắn trên trần nhà nên rất khó để sử dụng nhiều sản phẩm điện cùng một lúc. Thêm nữa, dây điện ngày đầu được cuốn bằng giấy nên cũng không “đi” được vào trong tường.

Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 1
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 2
 

Căn phòng mô phỏng việc sử dụng điện của gia đình Nhật Bản đầu năm 20 của thế kỷ trước khi chỉ có một nguồn điện duy nhất vào nhà là từ đường dây bóng đèn được gắn trên trần nhà; và hành trình phát triển các sản phẩm nối dây của Panasonic theo thời gian.

Để khắc phục sự hạn chế trên, nhà sáng lập Konosuke Matsushita đã nghĩ ra một thiết bị đầu nối, tái sử dụng ổ cắm của bóng đèn cũ để tiết kiệm chi phí, nhờ vậy sản phẩm vừa tiện dụng, vừa rẻ và chất lượng, nên được người tiêu dùng nội địa đón nhận. Hai năm sau, năm 1920, sản phẩm phích cắm điện, đui đèn 2 bóng ra đời, biến chuôi đèn từ một bóng thành chuôi đèn hai bóng, biến một ổ cắm bóng đèn đơn thành hai nguồn điện, từ đó giải quyết được vấn đề về phích cắm hai chấu có thể cắm vào các ổ cắm trên tường được bố trí ở những nơi thuận tiện trong ngôi nhà. Hai thiết bị này chính là nền tảng của Panasonic và là trụ cột kinh doanh chính của hãng cho đến tận ngày nay.

Theo thời gian, cùng nhu cầu sử dụng thiết bị công tắc, ổ cắm, phích điện ngày một tăng, cùng sự tiến bộ và phát triển của công nghiệp cơ khí chính xác, các sản phẩm ổ cắm, phích điện của Panasonic cũng được cải tiến từ mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp, độ tinh xảo và khác biệt của sản phẩm. Sau đó, hãng cũng bổ sung công nghệ tiên tiến như vật liệu chống cháy, công tắc cảm biến, bộ hẹn giờ vào các thiết bị nối dây hiệu suất cao của hãng. Panasonic cũng phát triển thiết bị nối dây cho phép người dùng gắn tối đa 3 công tắc và ổ cắm vào mỗi hộp. Từ những năm 1970-1980, nhiều loại công tắc, cầu dao hiệu suất cao đã được phát triển, đồng thời hãng cũng bắt đầu thực hiện công nghệ phun màu để màu sắc đa dạng cho các sản phẩm.

 
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 3
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 4
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 5
 

Các thiết bị công tắc, ổ cắm và mẫu mã ưa chuộng tại thị trường các nước tại phòng trưng bày của nhà máy Tsu của Panasonic Electric Works.

Từ khoảng giữa thế kỷ 20, khi Panasonic bắt đầu sản xuất và kinh doanh thiết bị gia dụng như máy giặt, tivi, tủ lạnh, radio, nồi cơm điện, máy ghi âm, máy điều hòa… đã kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị nối dây chất lượng cao như phích điện, ổ cắm… tăng cao, không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, để phù hợp với sở thích và nhu cầu sử dụng tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ, các dòng ổ cắm điện Panasonic cũng được thiết theo tiêu khác nhau về kích thước lẫn hình dáng. Đại diện Panasonic Electric Works ví dụ như tại Trung Quốc chuộng công tắc loại đẩy, người Việt Nam ưu tiên sự tiện dụng với mức giá hợp lý, còn ở Trung Đông người tiêu dùng thích những thiết kế mạ vàng…

Các thiết bị nối dây của Panasonic bắt đầu xuất khẩu vào những năm 1980 và đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Panasonic Electric Works đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chiếm thị phần cao tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thổ Nhĩ kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan…

“BÍ MẬT” NƠI TẦNG 3 TẦNG 4

Có chi tiết thú vị, do tỉnh Mie nằm gần biển, Nhật Bản lại là quốc gia thường xuyên chịu cảnh sóng thần, nên đại diện Panasonic Electric Works cho biết các hạng mục ở tầng 1 đều được xây và lắp đặt ở vị trí cao hơn so với thông thường. Tại tầng 1, chủ yếu là hệ thống máy đột dập kim loại – các linh kiện lõi bằng đồng của ổ cắm, phích điện, được vận hành hoàn toàn tự động và bằng robot. Phần lõi này của sản phẩm cũng được xem là phần quan trọng nhất và “bí mật” của Panasonic. Mỗi máy dập khuôn kim loại có thể tạo ra cả trăm triệu linh kiện mỗi tháng.

Sản phẩm kim loại được sản xuất chế tạo ở tầng một và sản phẩm nhựa ở tầng 4 được vận chuyển tự động xuống tầng 2 và 3 để thực hiện các công đoạn lắp ráp, kiểm tra và đóng gói. Với những công đoạn kiểm tra bằng máy móc được thực hiện với tốc độ rất nhanh, chỉ 0,7s/sản phẩm. Mỗi linh phụ kiện trước khi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh đều được kiểm tra để phụ kiện được đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đại diện Panasonic Electric Works cho biết, công ty đã thiết lập các hạng mục kiểm tra chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Đặc biệt việc kiểm tra kiểm định được tiến hành thông qua các thiết bị kiểm tra hiện đại, tập trung vào hơn 200 hạng mục đánh giá đã được ấn định bằng cách xác định kỹ lưỡng những rủi ro mà khách hàng phải đối mặt. “Chỉ những sản phẩm vượt qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt này mới được coi là có chất lượng đảm bảo, đáng tin cậy được công nhận trên toàn cầu là chất lượng Panasonic”, vị đại diện cho hay.

Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 6
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 7
Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 8
 

Tầng 3 và 4 là nơi lắp ráp, kiểm tra và đóng gói sản phẩm của nhà máy Tsu, trong đó nhiều công đoạn hoàn toàn thực hiện bằng robot.

Điểm khác biệt và tự hào tại nhà máy Tsu theo đại diện Panasonic Electric Works, là công ty tự chế tạo khuôn để phục vụ việc chế tạo, sản xuất các phụ kiện cho sản phẩm. Mỗi khi hệ thống máy móc gặp trục trặc hay hỏng hóc thì kỹ sư của công ty sửa tại chỗ chứ không thuê ngoài để đảm bảo tính chủ động sản xuất cũng như tính bí mật của khuôn mẫu. “Tại nhà máy Tsu có 190 khuôn mẫu và các khuôn đều do Panasonic nghiên cứu chế tạo, không sử dụng khuôn của đơn vị khác. Tại đây có 4 kỹ sư chuyên thực hiện công việc bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa các khuôn này”, đại diện Panasonic Electric Works thông tin.

Cũng theo vị này, do thiết bị nối dây như ổ cắm, phích điện… của Panasonic Electric Works chiếm tới 80% tại thị trường Nhật Bản nên “công ty cũng giữ một phần trọng trách với hoạt động phát triển kinh tế của đất nước”. Bởi thế các khuôn mẫu quan trọng nhất đều được đặt ở tầng 3 và tầng 4 để tránh nguy cơ rủi ro từ sóng thần. Đồng thời các khuôn mẫu quan trọng này được bảo vệ nghiêm ngặt và chặt chẽ để bảo mật tốt nhất. Điều này dễ cảm nhận khi dẫn đoàn tham quan nhà máy lên tầng 3 – nơi cất giữ các khuôn mẫu quan trọng nhất – vị đại diện Panasonic Electric Works kéo chiếc khăn phủ kín bề mặt của khuôn đúc phụ kiện đồng – phần lõi quan trọng của sản phẩm đã giới thiệu khá nhanh chưa đầy một phút về sự phức tạp, mức độ tinh xảo của khuôn mẫu rồi lại nhanh chóng kéo chiếc khăn phủ kín khuôn đúc kim loại đồng, đủ để thấy dù người có trí nhớ tốt nhất cũng khó có thể phác thảo lại chi tiết khuôn mẫu này.

KỲ VỌNG Ở THỊ TRƯỜNG VIỆT

Panasonic là một trong những thương hiệu quốc tế vào Việt Nam sớm nhất, năm 1950, thông qua hợp tác với công ty ESACO để phân phối các sản phẩm mang thương hiệu National. Năm 1971, Panasonic chính thức thành lập Công ty Vietnam National tại TP.HCM. Đến năm 1996, Công ty liên doanh Matsushita Electric Vietnam được ra đời. Từ năm 2003, Panasonic bắt đầu thành lập công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên và một loạt các công ty trong nhóm các Công ty Panasonic tại Việt Nam ra đời sau đó theo nhu cầu kinh doanh.

Năm 2006, Tập đoàn Panasonic thành lập công ty chủ quản Panasonic Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Hiện tại, Panasonic Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giữ vai trò công ty chủ quản tại Việt Nam.

Panasonic và câu chuyện trăm năm từ chiếc ổ điện, phích cắm - Ảnh 9

Tính đến giữa năm 2022, nhóm các công ty Panasonic tại Việt Nam có 7 thành viên. Cụm đầu tiên là Panasonic Việt Nam và bộ phận kinh doanh trực thuộc Panasonic Sales Việt Nam (PSV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển (PRDCV). Cụm thứ hai gồm 4 công ty chuyên sản xuất bao gồm: Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN), Panasonic System Networks Việt Nam (PSNV), Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN), Panasonic Electric Works Việt Nam (PEWVN) (tên cũ là Panasonic Life Solutions Việt Nam) và công ty bảo hiểm Panasonic Insurance Service Việt Nam (PISVN).

Chia sẻ về thị trường Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh thiết bị nối dây, vị đại diện Panasonic Electric Works cho biết, số lượng công trình xây dựng ở Việt Nam đang tăng lên qua từng năm và số vụ cháy nhà đang có dấu hiệu giảm nhưng vẫn xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy ở Việt Nam mỗi năm, trong đó một nửa nguyên nhân xảy ra cháy nổ do những sự cố về điện. Bởi vậy, theo vị này, các sản phẩm thiết bị không dây của Panasonic được đảm bảo an toàn nhờ cơ chế đàn hồi, dây dẫn đồng trong ổ cắm luôn kín nhưng lại giúp dễ dàng cắm và rút phích, bên cạnh đó sản phẩm nhựa urea resin của hãng ít bị nóng và ít bắt lửa hơn nhựa thông thường nên sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cháy nổ. “Đây chính là thế mạnh của Panasonic Electric Works để thâm nhập và phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam”, vị này khẳng định.

Ngoài ra, sự thay đổi lối sống và tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong những năm tới sẽ khiến thị trường về các thiết bị dành cho các ngôi nhà thông minh – smart home và mảng vật tư – điện dân dụng ở đây vô cùng tiềm năng. Vị đại diện của Panasonic Electric Works cũng chia sẻ công ty hiện có khoảng 10 chi nhánh ở các nước trên thế giới nhưng thị trường Việt là có tiềm năng nhất.

Cổng chào Panasonic tại Osaka, nơi đặt trụ sở của tập đoàn này.
Cổng chào Panasonic tại Osaka, nơi đặt trụ sở của tập đoàn này.

Lãnh đạo Panasonic Electric Works cũng cho biết tại Việt Nam, công ty sẽ có thêm nhà máy mới tại Bình Dương, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2024. Theo phía Nhật Bản, công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy Tsu, với công nghệ sản xuất hiện đại từ chế tạo khuôn mẫu, lắp ráp theo quy trình khép kín, hướng đến mục tiêu 2029 sản xuất 150 triệu thiết bị/năm – gấp đôi quy mô của nhà máy Tsu – nơi đang cung cấp chính cho sản phẩm thiết bị nối dây của Nhật Bản.

“Việt Nam được xem là thị trường quan trọng hàng đầu Panasonic Electric Works tại Đông Nam Á. Nhà máy tại Bình Dương sẽ áp dụng y hệt quy trình của nhà máy Tsu tại Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các công nghệ và sáng kiến độc quyền giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm phát thải CO2 trong sản xuất và tất cả các hoạt động liên quan, nhằm thiện chủ trương về việc không phát thải CO2 tại Việt Nam vào năm 2050”, đại diện Panasonic Electric Works khẳng định.