Panhou Retreat, khúc du ca kiêu hãnh giữa đại ngàn Hoàng Su Phì
Mỗi vùng đất đều có câu chuyện của riêng mình. Bên con suối hiền hòa trong lòng thung lũng nhỏ Thông Nguyên, suốt hơn 20 năm qua, Panhou Retreat vẫn du dương khúc du ca kiêu hãnh về miền di sản giữa đại ngàn Hoàng Su Phì...
VÙNG ĐẤT PHONG VƯƠNG
Trước khi được biết đến là vùng đất tươi đẹp làm say lòng người với núi non hùng vĩ và di sản văn hóa ruộng bậc thang cùng các lễ hội độc đáo, Hoàng Su Phì được ví như một “vùng đất chiến binh” nơi phên dậu nước nhà. Nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao thế hệ thanh niên trai tráng cùng những vị tù trưởng, thủ lĩnh đồng bào dân tộc ít người. Nổi tiếng gan dạ, anh dũng và tuyệt đối trung thành, những chiến binh sơn cước ấy luôn tiên phong trong các cuộc chiến chống phương Bắc; như “sói đầu đàn” can trường và bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức cam go.
Ngay trong huyền sử hình thành nên 12 tộc người Dao, tinh thần chiến binh ấy cũng được thể hiện khá rõ nét qua những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Bàn Vương (hay Long khuyển Bàn Hồ) - một “thủ lĩnh sói” thực sự, vì căm ghét cái ác nên đã quyết chí giết giặc lập công, mang lại no ấm thái bình. Đương thời, Ngài được phong Vương lập ấp, thác đi Ngài được tôn vinh như thủy tổ của người Dao.
Khí chất quân vương ấy dường như được lưu truyền cho hậu thế và được mài giũa thêm từ chính nơi rừng già núi đồi hiểm trở mà hùng vĩ, để hình thành nên “mã gen”, dòng máu kiêu hùng của những người dân bản địa. Được tiếp thêm sức mạnh từ khí thiêng sông núi, được hít thở bầu không khí trong lành từ mẹ thiên nhiên độ lượng, được tôi rèn ý chí với sự cần cù, chăm chỉ lao động mà chất phác, những chàng trai sinh sống dưới chân núi Tây Côn Lĩnh cứ vô tư “đầu đội trời, tay gạt đá, chân dẫm lửa” mà đi.
Đại diện khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat (xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì) từng chia sẻ: Nếu không “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa, nếu chỉ tiếp xúc với họ trong ngày một ngày hai, chúng ta sẽ không biết bản lĩnh hay nội lực ẩn giấu trong họ. Nhưng nếu ở đủ lâu, mở rộng tấm lòng, lắng nghe trong tĩnh tại, chúng ta sẽ tìm thấy ở họ những điều tưởng đơn giản nhưng có khí chất riêng mà lại vẫn rất dung dị, rất đời. Đó là lý do chúng ta tìm được ở mảnh đất này sự rung động diệu kỳ. Không phải quê hương thứ hai, mà đó là “vùng đất tâm giao” mang khí chất đặc biệt.
VÙNG ĐẤT TÂM GIAO THẤU HIỂU
Vùng đất tâm giao dường như là một khái niệm khá mơ hồ nhưng xúc cảm mang lại hoàn toàn có thật. Không phải là quê hương bản quán, đó đơn thuần là một vùng đất “trước lạ sau quen”, nơi mà ta chỉ gặp lần đầu đã thấy thân quen, cảm nhận rõ rệt mối “tương giao” thấu hiểu.
Trong thi ca, vùng đất tâm giao từng xuất hiện ít nhất một lần trong tác phẩm “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Vùng đất xa lạ ấy, xóm nhỏ mơ hồ ấy bỗng trở nên thân quen lạ thường với người chiến sĩ. Chỉ nghe một tiếng gà gáy ban trưa anh đã thấy mình xua đi mệt mỏi, lòng tràn đầy niềm vui để lại hành quân ra tiền tuyến. Tiếng gà tưởng như vô tri ấy đã làm “tỉnh thức” miền ký ức ngủ quên trong tâm hồn người lính.
Như lời đại diện của Panhou Retreat chia sẻ: Cũng giống như những người tiền nhiệm của khu retreat, ngay từ lần đầu đặt chân đến đây, họ như tìm thấy mối tương giao với miền đất hiền lành, an hòa và giàu giá trị văn hóa này một khí chất kiêu hùng của bậc quân vương. Từ đó, họ quyết tâm xây dựng nơi này thành khu nghỉ dưỡng, nơi cư trú giữa thiên nhiên đặc biệt dành cho những người có “khí chất”.
Lấy cảm hứng từ chính huyền sử Bàn Vương của 12 dân tộc nơi đây, khu nghỉ dưỡng được lấy tên Panhou, là cách gọi, phiên âm tiếng gió từ Bàn Hồ, tiếng dân tộc Dao. Trong chiều sâu văn hóa và cảm hứng đặc biệt ấy, Panhou Retreat nằm an hòa trong vòng tay âu yếm của mẹ thiên nhiên, dệt nên những khúc du ca dành cho những kỳ nghỉ được thiết kế đặc biệt, như bản nhạc đặc biệt chào đón ngày trở về của bậc quân vương, người chiến binh kiêu hùng sau những tháng ngày chinh chiến bôn ba.
Đó là những phút giây tĩnh tại giữa thiên nhiên, là tự do tự tại nhâm nhi chiến quả, là tự tôn giá trị bản ngã trong sự bình yên, là tìm lại cân bằng cảm xúc và thấu hiểu, là tái tạo cơ thể bằng liệu pháp trị liệu của người Dao, là nạp thêm năng lượng trong trầm ổn và thông tuệ trong những cuộc “đối thoại không lời”…
Khách tìm đến Panhou Retreat, có thể là những doanh nhân sau một chặng đường kinh doanh miệt mài đến nay đã có thành quả xứng đáng. Hoặc cũng có thể là một nhà đầu tư vừa tạo ra các “thương vụ để đời”. Họ có thể là những chiến sĩ bộ đội, công an sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là những nhà giáo sau nhiều năm tháng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”…
Họ có thể là bất kỳ ai, thủ lĩnh một tổ chức hay “team leader”,… nhưng tất cả đều có điểm chung là biết dừng lại để tự tôn. Là những “vị Vua không ngai vàng” nhưng Panhou chính là “triều đình”, là không gian của riêng họ. Họ đến và cảm nhận sự thấu hiểu, đồng điệu mối tương giao giữa mong muốn tiếp năng lượng cho “bản ngã“ kiêu hãnh với không gian của sự tự do tự tại, nuôi dưỡng và nuông chiều thân- tâm – trí.
Họ cũng chính là những đại sứ cho du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm và bảo vệ môi trường.
Ai cũng cần một “quãng nghỉ” cho riêng mình, cần nơi trú ẩn và nương náu để không chỉ là phục hồi thể chất, tâm hồn mà còn tái tạo sức sáng tạo và nạp năng lượng mới cho hành trình phía trước. Trong cuốn lưu bút để tại khu nghỉ suốt 20 năm qua có đến hơn 95% khách lưu trú từ khắp nơi trên thế giới cho biết “nhất định sẽ trở lại nơi đây khi có cơ hội quay lại Việt Nam”.
Tin rằng, Panhou Retreat đã được yêu mến và khắc ghi trong tâm trí mỗi du khách như khúc du ca kiêu hãnh khó quên của đại ngàn.