09:05 16/04/2015

PCI 2014: Đà Nẵng bảo vệ ngôi vương

Anh Minh

Đà Nẵng năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí số 1 trong khi Điện Biên đội sổ

Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân là nhờ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.<br>
Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân là nhờ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.<br>
Theo kết quả điều tra chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 được công bố sáng nay tại Hà Nội, Đà Nẵng đã bảo vệ được ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng với số điểm 66,87.

Cùng góp mặt trong top 5 theo thứ tự là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lào Cai, Tp.HCM, Quảng Ninh. 5 vị trí tiếp theo thuộc về Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bắc Ninh.

Ở cuối bảng xếp hạng, nhóm điểm thấp nhất gồm có Cà Mau, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên.

Coi doanh nghiệp là bạn


Theo nhóm nghiên cứu PCI, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân là nhờ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
   
Hai vị trí tiếp theo là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm) vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm.

Tinh thần coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là khi Đồng Tháp chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cải cách hành chính thực hiện tốt theo cơ chế một cửa, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nhà đầu tư theo phương châm “Tiềm năng của chúng tôi - cơ hội của bạn”.

Đặc biệt, Lào Cai năm nay đã trở lại ấn tượng, cải thiện 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2014. Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên và môi trường. Lào Cai cũng là tỉnh có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI).

Lào Cai coi việc thực hiện chỉ số DCI là kênh quan trọng để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố. Đây có thể là động lực mới để chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh.

Cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, Tp.HCM bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Vốn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong thời gian gần đây Tp.HCM đã liên tục có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng.

Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại chính quyền-doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho cộng đồng kinh doanh tại thành phố đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Đây được coi là những hoạt động cải cách rất đáng khích lệ, đặc biệt khi Tp.HCM có quy mô thị trường và sự đa dạng doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Việc thành lập trung tâm hành chính công hoạt động theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ không chỉ góp phần vào tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính trước đây, mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Mô hình cơ quan chuyên trách về xúc tiến hỗ trợ đầu tư (ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư) trực thuộc UBND tỉnh cũng đang hoạt động hiệu quả, khi chủ động tiếp cận và chăm sóc các nhà đầu tư một cách chu đáo trong quá trình đầu tư cũng như triển khai dự án.

10 năm, 88.000 doanh nghiệp tham gia


Trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.

Vĩnh Phúc từng luôn nằm trong top 10 trong các năm 2006-2009, sau những sụt giảm trong các năm 2010-2012, đã có sự thăng hạng ấn tượng trong 2 năm gần đây. Trong các năm 2008 và 2011, Long An từng có mặt trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất.

Lần đầu tiên đã xuất hiện trong top 10 bảng xếp hạng PCI của cả nước năm 2014, Thái Nguyên là một trường hợp đặc biệt với những chuyển mình thực sự không chỉ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả trong việc kiên trì thực hiện nguyên tắc phát triển “ba thân thiện” của địa phương: thân thiện môi trường - thân thiện doanh nghiệp - thân thiện người dân.

Một sự trở lại đáng chú ý khác là Bắc Ninh, khi nằm trong nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất vào năm nay, với những dấu ấn rõ ràng của việc thực hiện quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong việc hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của tổ chức kinh tế trên địa bàn mà tỉnh đã ban hành đầu năm 2013.

Đây là năm thứ 10 chỉ số PCI được công bố. Trong 10 năm phát triển, PCI hướng đến một mục tiêu xuyên suốt là phản ánh chân thực “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về môi trường kinh doanh ở các địa phương qua thước đo là sự hài lòng của họ đối với bộ máy công quyền.

Trong 10 năm qua, đã có 88.000 doanh nghiệp tham gia trả lời PCI. Dự án đã tổ chức 257 hội thảo với trên 42.000 lượt lãnh đạo, cán bộ tham gia. Đồng thời, đã có trên 1 triệu lượt bài báo và tin tức đã đăng tải các sự kiện về PCI hoặc sử dụng PCI như một công cụ phân tích về môi trường kinh doanh các địa phương.