18:49 05/12/2022

Petrolimex: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu là ưu tiên hàng đầu

Vũ Khuê

Khi các nguồn cung xăng dầu giảm sâu trong những ngày đầu tháng 10 tại TP.HCM và tháng 11 tại Hà Nội, Petrolimex đã căng mình trong tất cả các công đoạn để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng phục vụ người tiêu dùng…

Khi các nguồn cung xăng dầu khác giảm sâu, Petrolimex vẫn duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc.
Khi các nguồn cung xăng dầu khác giảm sâu, Petrolimex vẫn duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng 2022 của Petrolimex cho thấy, sản lượng kinh doanh của doanh nghiệp này đạt 10.177.633 m3/tấn, bằng 83% kế hoạch và 108,1% cùng kỳ.

Trong đó, bán nội địa là 7.565.411 m3/tấn bằng 86,3% kế hoạch và bằng 120,1% cùng kỳ 2021. Sản lượng tăng mạnh nhưng lợi nhuận kinh doanh xăng dầu 9 tháng năm 2022 lỗ 793 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.853 tỷ đồng).

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn hàng cho quý 4/2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến khoảng gần 3 triệu m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6733/BCT-TTTN ngày 28/10/2022.

Phân tích con số tăng mạnh này, Petrolimex cho biết trong quý 3 và đầu quý 4/2022 thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nói riêng có nhiều biến động bất thường: Giá dầu thế giới tăng giảm với biên độ lớn, chi phí và tỷ giá ngoại tệ tăng dẫn tới một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu xã hội ngừng hoặc hạn chế bán hàng…

Tại một số địa phương, tình trạng người dân dồn về các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex với số lượng tăng đột biến, đẩy lượng hàng bán tăng đột biến.

Đơn cử như tại TP.HCM, trong một số ngày tháng 10, sản lượng xăng dầu xuất bán tăng đến 2,4 lần so với trước đây. Tại Hà Nội, những ngày đầu tháng 11, lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình từ 35 đến gần 40% so với tháng 10.

Những yếu tố này đã đặt áp lực nặng nề lên vai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ lực như Petrolimex. Petrolimex nỗ lực hết sức, duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước.

“Để phục vụ khối lượng tăng đột biến này, Petrolimex đã phải căng mình trong tất cả các công đoạn để đưa từng lít xăng dầu đến tay người tiêu dùng: Từ khâu tạo nguồn, đến hoạt động vận chuyển từ kho, cảng về các cửa hàng xăng dầu và cuối cùng là bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Mỗi khâu đều thấm đẫm những giọt mồ hôi cùng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Petrolimex”, đại diện Petrolimex chia sẻ.

Điều này cũng khẳng định vai trò doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu trong lĩnh vực xăng dầu, tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành xăng dầu, đặt ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nguồn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đáp ứng kịp thời cho nền kinh tế và an ninh năng lượng.

Trong thời gian tới, Petrolimex sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường, kiểm soát chi phí, hướng tới đạt kết quả tối ưu trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng mong muốn các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp lâu dài để các doanh nghiệp khác sớm tổ chức kinh doanh bình thường trở lại.