08:19 02/01/2024

Phá trần vốn góp Nhà nước, khởi công xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP

Anh Tú

Ngày đầu tiên của năm mới 2024, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất (14.331 tỷ đồng) được đầu tư tại Cao Bằng và là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc trong tỉnh...

Việc phá trần vốn góp Nhà nước, ngân sách hỗ trợ đến 70% tổng mức đầu tư dự án PPP giúp phát triển hạ tầng giao thông tại các tỉnh còn khó khăn.
Việc phá trần vốn góp Nhà nước, ngân sách hỗ trợ đến 70% tổng mức đầu tư dự án PPP giúp phát triển hạ tầng giao thông tại các tỉnh còn khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham dự sự kiện trong không khí phấn khởi của ngày đầu tiên của năm mới 2024, khi cả nước cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, đặt nền tảng để tiếp tục giành những thành tựu, thắng lợi mới trong triển khai nhiệm vụ năm 2024 với khí thế mới, tâm thế mới và niềm tin mới mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự tin, quyết tâm, biết làm, dám làm, tự lực, tự cường trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông và đánh giá cao khí thế, niềm tin, khát vọng, quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng trong thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng".

DỰ ÁN HẠ TẦNG GIAO THÔNG LỚN NHẤT TẠI CAO BẰNG

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

 

Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.

Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.

Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình đầu tiên được khởi công nhờ chính sách thí điểm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 70% theo nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay.

Lễ khởi công càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.

Huyện Thạch An cũng là nơi mà cách đây hơn 73 năm diễn ra chiến thắng Đông Khê - chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới để cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Thủ tướng nghe đơn vị thi công trình bày các điểm nhấn trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Ảnh: VGP.
Thủ tướng nghe đơn vị thi công trình bày các điểm nhấn trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Ảnh: VGP.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều dự án đường cao tốc và đang được triển khai để kết nối thông suốt cả nước, kết nối các vùng miền.

Đến nay, cả nước có hoàn thành gần 1.900 km cao tốc và đang thi công xây dựng khoảng 1.800 km cao tốc.

Thủ tướng đánh giá dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển hạ tầng giao thông với các tỉnh còn khó khăn. Đây cũng là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Thay mặt liên danh các nhà đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ tiến không lùi", "đã nói là làm và cam kết là phải thực hiện hiệu quả" như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo lan tỏa ngành giao thông vận tải trong thời gian qua…

QUYẾT TÂM KHỞI CÔNG TRƯỚC NĂM 2030

Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan phối hợp, xử lý một khối lượng lớn công việc, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, như trong công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, thu xếp vốn để có đủ điều kiện khởi công dự án.

 

Thủ tướng cho biết quy hoạch ban đầu của dự án chưa thật phù hợp để nắm bắt cơ hội và khai thác tiềm năng phát triển của địa phương, chưa thực sự đáp ứng tâm tư nguyên vọng và lòng mong mỏi của người dân Cao Bằng đòi hỏi phải điều chỉnh thời gian thực hiện kịp thời hơn. Chúng ta quyết tâm khởi công dự án ngay trong thời điểm này thay vì phải đợi sau năm 2030 như quy hoạch ban đầu.

Dự án thực hiện trong giai đoạn pháp lý, chính sách về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi, đặc biệt đây là một trong những dự án thực hiện theo hình thức BOT, đầu tư đối tác công tư sau khi Luật PPP có hiệu lực. Do vậy, trong quá trình thực hiện phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, dự án thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn huy động ngoài ngân sách rất khó khăn.

Các kênh huy động vốn, tín dụng, trái phiếu… đều thắt chặt dẫn đến phải có sự điều chỉnh kịp thời đối với sự tham gia nguồn vốn đầu tư công (thông qua tăng thu, tiết kiệm chi) để tăng tính hiệu quả dự án, tăng sức thu hút huy động các nguồn vốn nhà đầu tư, tổ chức tài chính cho dự án.

Dự án triển khai trong bối cảnh còn nhiều cán bộ công chức có tâm lý ngại trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy… dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.

Đây là dự án cao tốc với chiều dài lớn trên 93 km, đi qua địa bàn liên tỉnh có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp. Dự án cần phải có nhiều giải pháp thu hút dòng xe để bảo đảm nguồn thu trong tương lai khi thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.

Nhấn mạnh tinh thần "qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi, qua đồng đổ đất đổ cát", xây dựng tuyến đường thẳng nhất, ngắn nhất có thể, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc mở rộng ngay tuyến đường từ 2 làn lên 4 làn.

Theo Thủ tướng, những khó khăn, vướng mắc đó được hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nghiên cứu, đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương, Hội đồng thẩm định nhà nước, các đơn vị liên quan và nhà đầu tư Đèo Cả cùng nhau chung tay tháo gỡ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Thủ tướng cũng biểu dương các chủ thể liên quan có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong thiết kế tuyến đường, như bố trí tượng đài chiến thắng Đông Khê tại hầm Đông Khê, thiết kế cầu theo hình cây đàn tính – nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tày…

PHẤN ĐẤU ĐẦU NĂM 2026 THÔNG XE TOÀN TUYẾN

Thủ tướng đề nghị xây dựng tuyến đường này với tinh thần chiến thắng Đông Khê, phấn đấu cuối năm 2025, đầu năm 2026 thông xe toàn tuyến và tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, kéo dài tuyến đường; sau khi dự án hoàn thành, tỉnh Cao Bằng và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai các công trình hạ tầng quy mô lớn khác trên địa bàn.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng cũng nêu rõ, việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, để triển khai dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể.

Tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư, nhà thầu luôn tuân thủ các quy định của pháp luật; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, bảo đảm nơi ở mới của người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo Chính phủ các vấn đề vướng mắc, khó khăn, phát sinh vượt thẩm quyền để có giải pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu dự án tiếp tục thực hiện, đúc rút kinh nghiệm trong thực hiện mô hình PPP+, mô hình quản trị BIM, đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan tiếp tục tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, "3 ca 4 kíp", chỉ bàn tiến, không bàn lùi; bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình, không vượt tổng mức đầu tư, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng dự án đi qua.