16:42 25/08/2023

Phải tách bạch, phân định rõ giữa thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất

Hà Lê

Phải tách bạch, phân định rõ giữa thu hồi và đấu giá nếu không sẽ dẫn đến chồng chéo ngay trong dự thảo luật…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng 25/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

CẦN LÀM RÕ HƠN VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐẤT, LẬP BẢNG GIÁ ĐẤT

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến dài, nhiều vấn đề lớn đã được tập trung giải quyết. Còn một số vấn đề được đặt ra khi soạn thảo dự án luật và phát sinh trong quá trình hoàn thiện luật, đòi hỏi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan cần tiếp tục quan tâm, tập trung dốc toàn lực nhằm cho ý kiến vào những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề khó, “nếu theo phương pháp "chọn - cho" thì chi tiết đến mấy cũng vẫn thiếu nghĩa”. Vì vậy nên tiếp cận theo hướng "chọn - bỏ", tức là những gì cấm phải ghi vào trong luật. Nếu tiếp cận theo phương pháp cũ, cố gắng liệt kê cho đủ thì rất khó có sự thống nhất.

Về tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tách bạch, phân định rõ giữa thu hồi và đấu giá nếu không sẽ dẫn đến chồng chéo ngay trong dự thảo luật; quy định tiêu chí, nguyên tắc để giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu…

Đối với các trường hợp được thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có phương án thiết kế chính sách theo hướng phân loại nhà ở thương mại được quyền cho thuê, chuyển nhượng; nhà ở xã hội cho thuê hoặc thuê mua; nhà ở thương mại giá rẻ là loại hình giao thoa giữa hai loại hình trên.

Về cơ chế xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không đạt được 100%, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự, việc Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được là không phù hợp. Nhà nước chỉ thực hiện chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đối với quy định về trả tiền thuê đất hằng năm, đề nghị xác định rõ trường hợp nào phải trả tiền một lần, ví dụ, dự án đầu tư mà sản phẩm vẫn liền với quyền sử dụng đất. Còn trường hợp trả tiền thuế đất hằng năm thì cần phải làm rõ để phù hợp với mức án của nhà đầu tư. Dự thảo có bước tiến lớn trong việc quy định tiền thuê đất trong 5 năm đầu và cần rà soát kỹ cách tính trong chu kỳ tiếp theo, trong đó căn cứ công năng sử dụng, không đơn thuần theo nhóm đất đai...

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ hơn về phương pháp định giá đất, lập bảng giá đất, chế độ quản lý, sử dụng một số loại đất dành cho giáo dục, y tế, thể thao, quốc phòng-an ninh, vị trí, chức năng của tổ chức phát triển quý đất và cơ chế huy động nguồn tài chính...

NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG VỪA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH VỪA THU HỒI ĐẤT

Tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, cơ quan đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung chính như: xác định giá đất, thu hồi đất, tính thống nhất giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, khẳng định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, tác động lớn đến xã hội nên cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đã rà soát kỹ lưỡng các điều khoản. Uỷ ban Pháp luật có 4 báo cáo được Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật nên đề nghị Ủy ban Kinh tế khẩn trương xử lý các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật theo dõi thường xuyên, xem xét lại về tính đồng bộ của hệ thống đất đai với các luật khác để có sự điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có mối quan hệ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… nên cũng phải sửa đổi, bổ sung song hành.

Đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cần làm rõ thêm ở Điều 158 về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích sử dụng đất đang sử dụng hiện tại hay là trong tương lai. Bởi những mảnh đất nông nghiệp, mảnh đất vườn hiện nay nếu mà quy hoạch sau này sẽ là đất công cộng, thu lại làm đường hoặc làm công viên thì sẽ rất khác với lại giá của những mảnh đất cũng là vườn, cũng là đất nông nghiệp nhưng mà sau này quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ hoặc là đất ở.

Trong những trường hợp nào Nhà nước đứng ra thu hồi đất thì chỉ trả theo đúng mục đích sử dụng đất hiện nay mà người dân đang sở hữu. Còn trong các trường hợp mà quy hoạch hoặc là trong tương lai mà có thể các cái mục đích sử dụng có giá trị gia tăng cao hơn thì chúng ta sẽ quy định một cách rõ ràng. Bởi vì trong thực tiễn thì việc tiếp cận thông tin cũng như là sự bất bình đẳng, bất đối xứng giữa người có các mảnh đất đó với doanh nghiệp phát triển đô thị cũng như là đối với các cơ quan Nhà nước rất là khác nhau.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để đảm bảo minh bạch trong quá trình thu hồi đất.

Tuy nhiên, về cơ chế xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không đạt được 100%, bà Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc, không đưa lên cơ chế đã thu hồi được 80%, phần còn lại 20% thì Nhà nước đứng ra thu hồi.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, giá trị của nhân dân, đại biểu Quốc hội, các bộ ngành, địa phương, cơ quan của Quốc hội, để thống nhất về cơ sở chính trị, xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, lắng nghe cầu thị, tiếp thu có nguyên tắc.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, trao đổi, thảo luận với các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội về những vấn đề còn khác nhau, sau đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để hoàn thiện, thống nhất với các cơ quan của Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội.