15:56 09/11/2022

Đề nghị xử nghiêm các trường hợp bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh

Khởi Anh

Hiện nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao do nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh...

Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi
Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi

Ngày 08/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ra văn bản, đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2033…

Văn bản nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh, cụ thể có 40 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93.000 con gia cầm; Trên 1.150 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con lợn; Trên 240 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy…

Theo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao do nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh.

Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh, một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, nhiều khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực tổ chức rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi (như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục,...) tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi…

Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.