06:00 31/07/2024

Phản hồi của Bộ Nội vụ trước các kiến nghị về chính sách tiền lương mới

Nhật Dương

Để khắc phục thực sự những tồn tại, hạn chế của chế độ tiền lương hiện hành như kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chế độ nâng lương, phụ cấp, và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập đối với người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ vừa có trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến chính sách tiền lương.

ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH LƯƠNG MỚI PHÙ HỢP ĐẶC THÙ NGHỀ NGHIỆP 

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng, phản ánh về việc theo Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo bảng lương mới theo vị trí việc làm, lãnh đạo, quản lý, và vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, một số công chức, viên chức vẫn còn băn khoăn về lương theo vị trí việc làm. Đặc biệt là lương của công chức công tác lâu năm, nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý.

Vì thế, cử tri đề nghị trong quá trình xây dựng chính sách quan tâm đến đối tượng là công chức, viên chức công tác lâu năm, nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý.

Liên quan đến vấn đề tiền lương, Bộ Nội vụ cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, đề nghị khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, cần xem xét việc cải tiến tiền lương đối cán bộ, công chức, người lao động đối với ngành Y tế, Giáo dục cho phù hợp, tương thích với đặc thù về đào tạo và trách nhiệm của ngành.

Cử tri tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị trong thời gian tới, khi áp dụng chính sách cải cách tiền lương, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, đối với đội ngũ công chức làm công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần được xếp vào công việc có tính chất phức tạp.

Vì thế, họ cần được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo nghề, như áp dụng đối với công chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị khi điều chỉnh chính sách lương mới, cần đảm bảo các chế độ cho giáo viên như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên,… để đảm bảo trang trải cuộc sống, an tâm công tác, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề như thời gian qua.

Còn cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách tiền lương mới, theo hướng thu hút nhân lực cho vùng miền núi cao.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, THU NHẬP

Trả lời cử tri về các nội dung trên, Bộ Nội vụ cho biết Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội rõ những vướng mắc, bất cập nếu thực hiện các bảng lương mới (bảng lương chức vụ, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang), và các chế độ phụ cấp mới trong khu vực công, theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Theo đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024, và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024, chỉ đạo thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực công theo lộ trình, bảo đảm phù hợp với khả năng nền kinh tế, ngân sách Nhà nước, và sự đồng thuận của xã hội.

Công chức ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện giải quyết chế độ cho người lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Công chức ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện giải quyết chế độ cho người lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trong đó, gồm các nội dung sau: Một là, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 (tăng thêm 30%).

Hai là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.

Ba là, thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất, và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm, của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương, không bao gồm phụ cấp).

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế cụ thể, để thực hiện chế độ tiền thưởng, áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Bốn là, quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện tăng thêm 30% mức lương cơ sở, và chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024.

Để khắc phục thực sự những tồn tại, hạn chế của chế độ tiền lương hiện hành như kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ cho biết căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chế độ nâng lương, các chế độ phụ cấp hiện hành, và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW cho phù hợp, để trình Trung ương xem xét sau năm 2026, theo yêu cầu tại Kết luận số 83- KL/TW của Bộ Chính trị.

Trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp, nhất là chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nếu phát sinh bất hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.