Phân tích của công ty chứng khoán "lệch sóng" vì dòng tiền F0
Nhận định của các công ty chứng khoán là một kênh thông tin tham khảo quan trọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền F0 khổng lồ đã khiến nhiều phân tích "lệch sóng"...
Dòng tiền dồi dào của làn sóng nhà đầu tư F0 đã đưa VN-Index lần lượt vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác trong tháng 5. Ở giai đoạn nửa đầu tháng, thị trường có những nhịp biến động tăng giảm đan xen tuy nhiên xu hướng chủ đạo vẫn là tăng. Vượt qua những lo ngại do ảnh hưởng của Covid-19 và hiệu ứng "Sell in May", đà tăng của thị trường được đẩy mạnh và củng cố cho đến khi đóng cửa ở mức cao nhất vào cuối tháng.
Chỉ số VN-Index tăng 88,66 điểm (7,15%) so với tháng 4, đóng cửa ở mức 1.328,05 điểm là mức đỉnh lịch sử cho đến cuối tháng 5.
TĂNG TRƯỞNG VƯỢT XA DỰ BÁO
Tuy nhiên, nhìn lại nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra mức dự báo tháng 5 lệch xa với diễn biến thực tế của thị trường. Chẳng hạn, bày tỏ những lo ngại VN-Index khó bứt phá vì quy luật "Sell in May", Chứng khoán VnDirect cho rằng, rủi ro đang tăng dần lên và chỉ số VN-Index khó có thể bứt phá mạnh khi thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ. “Sell in May and go away” là lựa chọn đang được ưa tiên của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư.
Theo VNDirect, thị trường còn bị tác động mạnh bởi 4 nguyên nhân: Thứ nhất, tình hình dịch Covid -19 trong khu vực Đông Nam Á diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam. Thứ hai, nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong quý 2/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thứ ba, thị trường chứng khoán dần bước vào vùng trống thông tin. Thứ tư, margin đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ.
Do đó, VNDirect dự báo “chỉ số VN-Index dao động trong vùng từ 1.160-1.260 điểm trong tháng 5/2021. Nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn để giảm thiểu rủi ro”.
Trước đó, trong báo cáo nhận định chứng khoán tháng 5, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng khá tiêu cực khi cho rằng VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 5. Đồng thời, các nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét bán một phần tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ phần còn lại cho đến khi VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm.
SSI Research lại đưa ra kịch bản cho thị trường tháng 5 với kịch bản vượt xa với đà tăng của VN-Index: "Chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại vùng 1.350 - 1.400 điểm".
Ngược lại, một số công ty chứng khoán khác lại đưa ra dự báo khá khớp với diễn biến thị trường tháng 5. Chứng khoán Mirae Asset từng kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.130 đến 1.480 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.300 điểm. Dựa trên kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ quý 1/2021, Chứng khoán Rồng Việt cũng nhấn mạnh đây là nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng EPS hai chữ số trong năm 2021, do đó, chúng tôi kì vọng VN Index có thể dao động trong khoảng 1.240 - 1.370 điểm.
Lý giải cho nhận định kém chính xác của một số công ty chứng khoán, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, làn sóng nhà đầu tư F0 và nguồn tiền dữ dội đã khiến cho thị trường vượt xa với dự đoán của khối phân tích các công ty chứng khoán. Trong tháng 5 vừa qua, dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, số lượng tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5/2021 tăng vọt lên mức 113.674 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường. Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận là tháng 3/2021 với 113.314 tài khoản trong nước.
"Thực tế, dự báo của các công ty chứng khoán sai cũng là điều bình thường bởi nhìn rộng ra thì tháng 5 là giai đoạn thị trường rơi vào vùng trũng thông tin hỗ trợ về mặt vĩ mô và doanh nghiệp không có nhiều kết quả về kinh doanh. Do đó, các công ty chứng khoán chủ yếu dùng yếu tố hiệu ứng "Sell in May" và nhìn vào dòng tiền thị trường chứng khoán thấy rằng áp lực bán gia tăng sẽ đẩy VN-Index xuống mức thấp hơn.
Mức tăng của chỉ số VN-Index trong tháng 5 cũng gây bất ngờ, tuy nhiên, về dài hạn thì VN-Index tăng xuyên suốt từ đầu năm trong bối cảnh nhiều yếu tố hỗ trợ như vĩ mô lãi suất thấp, dòng tiền nhà đầu tư thiếu vắng kênh đầu tư tốt định hướng vào thị trường chứng khoán", ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhấn mạnh.
EURO, WORLD CUP LÀM GIẢM SỨC HÚT THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?
Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 6, Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng xu hướng thị trường phụ thuộc vào 3 yếu tố chính:
Thứ nhất, về mặt lạm phát, con số lạm phát tháng 5 duy trì ở mức thấp, trái ngược hoàn toàn với lo ngại ban đầu khi giá nguyên vật liệu như thép, xăng dầu... tăng gây áp lực lãi suất, ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường, những điều này đã không xảy ra.
Thứ hai, vào khoảng 1-2 tuần cuối tháng 6 các doanh ngiẹp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2, so với cùng kỳ năm ngoái thì cách ly xã hội tháng 4 có tác động nhất định nhưng sản xuất kinh doanh không bị giãn đoạn mạnh nên kỳ vọng lợi nhuận quý 2 tăng trưởng tốt hơn.
Thứ ba, có nhiều luồng quan điểm lo ngại giải thi đấu Euro sắp diễn ra, Việt Nam cũng chuẩn bị thi đấu vòng loại World Cup 22 sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. "Do đó, tôi cho rằng xu hướng VN-Index sẽ đi ngang, tăng trưởng nhẹ và rủi ro Covid-19 là yếu tố cần quan sát”, ông Đức Anh, nhấn mạnh.
Lường trước sự bùng nổ của làn sóng nhà đầu tư F0, mới đây, trong báo cáo chiến lược tháng 6 của mình, SSI Rerearch nhấn mạnh, quán tính tăng điểm vẫn được duy trì ở nửa đầu tháng 6 nhờ động lực mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. VN-Index có thể tiếp tục hướng về vùng mục tiêu tiếp theo 1.400 điểm và có thể đi xa hơn trong trường hợp hạn chế của hệ thống giao dịch được khắc phục vượt kỳ vọng.
Riêng VnDirect tiếp tục thận trọng khi cho rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.280-1.380 điểm trong tháng 6/2021 trong khi VnDirect đã chinh phục mốc 1.374 điểm ngay những phiên đầu tháng. VnDirect cho rằng thị trường đối diện rủi ro, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 có thể cản trở triển vọng tăng trưởng trong quý 2, trong khi đó, định giá thị trường hiện tại ở mức hợp lý, không còn bị định giá thấp nhưng không phải quá cao.