Phản ứng của Việt Nam về tình hình ở Ukraine
Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng...
Ngày 23/2, trả lời câu hỏi của báo chí Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine.
Bà Hằng cũng cho biết Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.
Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.
"Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp khó khăn, đề nghị liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484.
Trước đó, ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai lực lượng của Nga tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine sau khi công nhận độc lập đối với hai vùng này. Diễn biến này đẩy cao cuộc khủng hoảng mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Động thái của Nga ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Phương Tây cũng tuyên bố sẽ áp một loạt lệnh trừng phạt mới lên Nga, cho dù hiện chưa rõ liệu động thái của Nga có bị đối phương xem là mở màn cho một tấn công quân sự. Trước khi tuyên bố độc lập, hai vùng của Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai được cho là có sự hậu thuẫn của Nga.
Hiện chưa có thông tin gì về quy mô của lực lượng mà ông Putin triển khai tới hai vùng trên, nhưng sắc lệnh nói Nga giờ đây có quyền xây dựng căn cứ quân sự ở hai vùng đó, và lực lượng được điều tới có sứ mệnh gìn giữ hoà bình.
Ngày 22/2, sau phiên họp kín bất thường, Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) đã đồng ý cho phép Tổng thống Putin sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài với thời gian, quy mô và nhiệm vụ tùy ông quyết định theo Hiến pháp Liên bang Nga.
Đến nay, Bộ Ngoại giao các nước châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sỹ... đã kêu gọi công dân nước mình rời khỏi Ukraine. Chính phủ Australia ngày 22/2 đã ra lệnh cho tất cả nhân viên ngoại giao rời khỏi Ukraine.