16:11 07/04/2017

Phản ứng trái chiều sau loạt tên lửa Mỹ nã vào Syria

Bình Minh

Trong khi Nga và Iran tỏ ra giận dữ, nhiều nước lại lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công

Tên lửa Tomahawk phóng từ chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải trong cuộc tấn công vào Syria ngày 6/4 - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.<br>
Tên lửa Tomahawk phóng từ chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải trong cuộc tấn công vào Syria ngày 6/4 - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.<br>
Quân đội Mỹ ngày 6/4 đã thực hiện một cuộc tấn công sử dụng hàng chục tên lửa hành trình nã vào một căn cứ không quân của quân đội Syria nhằm đáp trả một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trước đó. Động thái này được xem là một bước leo thang vai trò của Mỹ trong cuộc nội chiến Syria, đồng thời ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Nga.

Trong khi đó, nhiều nước lên tiếng ủng hộ hành động này của Mỹ.

Theo tin từ Reuters, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính ông đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công, một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói vụ tấn công đã gây phương hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Washington và Moscow.

Chiến hạm Mỹ ở phía Đông của Địa Trung Hải đã phóng 59 tên lửa tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat gần thành phố Homs của Syria. Đây là hành động của Mỹ nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học khiến ít nhất 70 người chết ở một thị trấn miền Bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát hôm thứ Ba tuần này - vụ tấn công mà phương Tây cáo buộc là do quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra.

Ông Putin, một đồng minh thân cận của ông Assad, gọi hành động của Mỹ là “sự gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền” theo một “cái cớ được bịa ra” và là một nỗ lực bất nhẫn nhằm phân tán sự chú ý của thế giới đối với những cái chết của thường dân vô tội ở Iraq - phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin nói.

Cuộc tấn công là hành động quân sự trực tiếp cứng rắn nhất từ trước đến nay của Mỹ trong cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm ở Syria, đồng thời đặt Tổng thống Trump vào cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền vào ngày 20/1, đặt nước Mỹ trước nguy cơ gia tăng về đối đầu với Nga và Iran - hai nước hậu thuẫn quân sự chính cho Tổng thống Assad.

“Nỗ lực của những năm qua nhằm thay đổi hành vi của Assad đã thất bại và thất bại thật thảm hại”, ông Trump nói khi tuyên bố chính thức về vụ tấn công tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, nơi ông đang có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói cuộc tấn công không đồng nghĩa với việc chính sách của Mỹ đối với Syria nói chung đã thay đổi. “Điều này cho thấy Tổng thống sẵn sàng hành động quyết đoán khi cần thiết”, ông Tillerson nói với các nhà báo. “Tôi sẽ không nói đây rằng có sự thay đổi trong chính sách hay lập trường của chúng tôi đối với các hoạt động quân sự hiện có của Mỹ ở Syria”.

Quân đội Syria nói có 6 người thiệt mạng trong cuộc tấn công và thiệt hại về tài sản là lớn.
 
Iran, một đồng minh của Assad, chỉ trích vụ tấn công. “Iran lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cũng tin rằng việc dùng đó làm cái cớ để hành động đơn phương là rất nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói.

Trong khi đó, Israel hoan nghênh vụ tấn công của Mỹ. “Bằng cả lời nói và hành động, Tổng thống Trump ngày hôm nay đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng việc sự dụng và phổ biến vũ khí hóa học sẽ không được tha thứ”, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói trong một tuyên bố.

Các nước đồng minh khác của Mỹ như Canada, Anh, Pháp, Australia, Ba Lan, Nhật Bản… đều ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết đã được người đồng cấp Mỹ Tillerson báo trước về cuộc tấn công. “Việc sử dụng vũ khí hóa học là đáng sợ và cần phải bị trừng trị vì đó là tội ác chiến tranh”, ông Ayrault nói, đồng thời cho rằng Nga và Iran cần hiểu là việc ủng hộ Tổng thống Assad sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Ông Ayrault cũng nói Pháp không muốn đối đầu với Nga và Iran.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Nhiều người vô tội dã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công hóa học. Cộng đồng quốc tế bị sốc trước tấn thảm kịch khiến nhiều trẻ em nằm trong số các nạn nhân. Nhật Bản ủng hộ quyết tâm của Chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn sự phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học”.