“Phập phồng” chờ kết quả đàm phán thương mại, S&P 500 giảm phiên thứ tư
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi Mỹ-Trung bắt đầu cuộc đàm phán đặc biệt quan trọng
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi vòng đàm phán thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ở Washington. Tuy nhiên, các chỉ số đã có sự phục hồi mạnh khỏi mức đáy trong phiên sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng việc đạt một thỏa thuận trong tuần này vẫn là điều có thể.
Theo hãng tin Reuters, thị trường đã giảm hơn 1% vào đầu phiên giao dịch, nhưng đã thu hẹp mức giảm sau khi ông Trump nói đã nhận được một "bức thư đẹp đẽ" từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc đàm phán chính thức bắt đầu lúc 5h chiều ngày thứ Năm theo giờ Washington, ông Trump cho biết, và sẽ tiếp tục trong hết ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên, Mỹ chưa hề rút lại tuyên bố tăng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% từ 0h01 ngày thứ Sáu, tức là chỉ 7 tiếng sau khi đàm phán bắt đầu. Ông Trump cũng nói các thủ tục để kích hoạt mức thuế quan 25% áp lên 325 tỷ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc cũng đã được triển khai.
Cho dù khả năng Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc là rất lớn, một số nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Hy vọng này là nhân tố giúp mức giảm của thị trường được kiểm soát trong phiên ngày thứ Năm, theo ông John Stoltzfus, chiến lược gia trưởng của Oppenheimer Asset Management.
"Chúng ta có thể chứng kiến thuế quan được áp thêm vào ngày mai, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết", ông Stoltzfus nói. "Sẽ là quá thiếu thực tế nếu một trong hai bên cứ tìm cách kéo dài cuộc chiến thương mại này".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,54%, còn 25.828,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 2.870,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,41%, còn 7.910,59 điểm.
Trong phiên, có lúc S&P 500 giảm dưới ngưỡng trung bình 50 ngày, một ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Tuy nhiên, khi đóng cửa, chỉ số đã tăng trở lại trên ngưỡng này. Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số.
Nguyên vật liệu cơ bản và công nghệ là hai nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức giảm tương ứng 0,8% và 0,7%.
Cổ phiếu con chip, nhóm công ty phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ Trung Quốc, giảm 1,2%. Tuần này, nhóm cổ phiếu này đã sụt 6%.
Cổ phiếu Intel sụt 5,3%, trở thành nguồn áp lực giảm điểm lớn nhất đối với S&P 500, sau khi hãng sản xuất con chip này đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan.
Những cổ phiếu công nghiệp lớn vốn nhạy cảm với tin thương mại đồng loạt giảm, như cổ phiếu Boeing giảm 1% và cổ phiếu 3M sụt 1,9%.
Chỉ số VIX đo lường biến động của Phố Wall, một thước đo về nỗi lo sợ của giới đầu tư, tăng phiên thứ tư liên tiếp, lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,55 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,48 lần.
Có tổng cộng 7,75 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức bình quân 6,83 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.