12:39 26/09/2011

Phạt đến 40 triệu đồng khi vi phạm về giá

Y Nhung

Từ ngày 15/11, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ bị phạt nặng

Bán hàng, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan chức năng quy định sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng.
Bán hàng, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan chức năng quy định sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng.
Mức phạt 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi bán hàng hóa thấp hơn giá sàn và cao hơn giá trần.

Nghị định 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định rõ về các mức phạt.

Như vậy, kể từ ngày 15/11/2011, mức xử phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ tăng lên 40 triệu đồng, tăng thêm 10 triệu đồng so với mức hiện hành. 

Cụ thể, mức phạt cao nhất 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi bán hàng hóa thấp hơn giá sàn, mức giá tổi thiểu hoặc cao hơn giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định.

Mức 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá…

25 triệu đồng là mức phạt được áp dụng đối với hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định.

Đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Nghị định còn quy định phạt tiền 15 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo giá mua hàng hóa, gian lận thương mại trong việc khai báo giá xuất khẩu, giá nhập khẩu; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng lượng hàng hóa tồn kho dự trữ lưu thông của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Tuy nhiên, khi tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính nếu quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm.