14:55 12/04/2023

Phát triển điện gió ngoài khơi vẫn khó... do thiếu hành lang pháp lý

Chu Khôi

Ngành điện Việt Nam đặt ra kế hoạch phát triển 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở khu vục Vịnh Bắc Bộ với tổng công suất khoảng 800MW…

Điện gió ngoài khơi vẫn chưa phát triển do kỹ thuật công nghệ chưa đáp ứng được.
Điện gió ngoài khơi vẫn chưa phát triển do kỹ thuật công nghệ chưa đáp ứng được.

Ngày 12/4/2023, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo về lưới điện gió ngoài khơi nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về phát triển, đấu nối và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi.

CHƯA CÓ HÀNH LANG PHÁP LÝ 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết EVN hiện có 97.414 cán bộ công nhân viên, giá trị tổng tài sản 705.403 tỷ đồng (tương đương với 30 tỷ USD). Hiện EVN đang có 29 triệu khách hàng mua điện, sản lượng điện thương phẩm bán ra năm 2022 đạt 242,7 tỷ kWh, tổng doanh thu trong năm 2022 đạt 441.714 tỷ VND (18.8 tỷ USD).

Đề cập tỷ trọng phát điện của EVN và các đơn vị trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam, lãnh đạo EVN cho biết năm 2022 sản lượng điện do các đơn vị thuộc chủ sở hữu là Tập đoàn EVN và các doanh nghiệp thành viên EVN đạt 29.498 MW, chiếm 36% trong tổng sản lượng điện.

Trong đó: Tập đoàn mẹ (EVN) đạt 11.325 MW, chiếm 14%; Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đạt 7.803 MW, chiếm 10%; Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đạt 4.420 MW, chiếm 5%; Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đạt 5.950 MW, chiếm 7%.

Sản lượng điện từ các đối tác sản xuất và bán điện cho EVN: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt  6.760 MW, chiếm 8%; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 1.780 MW, chiếm 2%; các doanh nghiệp BOT đạt 7.883, chiếm 10%; doanh nghiệp tư nhân đạt 34.139 MW, chiếm 42%; nhập khẩu 572 MW, chiếm 1%,

 

"Theo thông lệ quốc tế để đưa dự án điện gió ngoài khơi vào vận hành cần 8-9 năm cho công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030 đưa vào vận hành 7GW điện gió ngoài khơi cần phải có chính sách để rút ngắn thời gian thực hiện”.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN.

Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 (Quy hoạch điện 8) hiện đã trình lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được phê duyệt. Ngoài ra, Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 cũng chưa được phê duyệt.

Đề cập về những khó khăn đối với phát triển điện gió ngoài khơi, EVN cho hay những quy định pháp luật, hiện vẫn chưa xác định được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình điện gió ngoài khơi trong Luật Đầu tư 2020; chưa có các quy định về trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi; chưa có chính sách, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Hiện vẫn chưa có quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện vẫn chưa ban hành đủ các quy định về đầu tư xây dựng cho loại hình điện gió ngoài khơi (định mức, đơn giá, năng lực hành nghề, phòng cháy chữa cháy, cấp công trình, quản lý của cơ quan nhà nước,…).

Hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, tàu biển, phương tiện phụ trợ hiện nay đa phần chưa đáp ứng được các yêu cầu về thi công, vận hành. Dữ liệu về điều kiện tự nhiên chưa có và chưa đầy đủ. Về năng lực, kinh nghiệm: Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được đầu tư do vậy chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành các nhà máy điện gió ngoài khơi.

Trước thực trạng đó, EVN đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8, Quy hoạch không gian biển Quốc gia, ban hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng nhằm hướng dẫn, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, vận hành điện gió ngoài khơi để tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, tàu biển, phương tiện phụ trợ hiện nay đáp ứng được các yêu cầu về phát triển điện gió ngoài khơi.

HÌNH THÀNH TỔ CHUYÊN GIA ĐẶC TRÁCH VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI

Lãnh đạo EVN cũng đề nghị GIZ hỗ trợ các Bộ, ngành xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, và kêu gọi các tổ chức kinh tế, tài chính đầu tư vốn để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho EVN và các đơn vị tư vấn của EVN về điện gió ngoài khơi.

Hội thảo tổ chức tại trụ sở EVN.
Hội thảo tổ chức tại trụ sở EVN.

Ông Markus Bissel, Giám đốc Dự án Quan hệ Đối tác Năng lượng BMWK tại GIZ, nhận định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên tới 500 GW. Dự thảo Quy hoạch phát triển điện 8 (bản tháng 10/2022) đặt mục tiêu công suất điện gió đạt 7 GW vào năm 2030 và 17 GW vào năm 2035.

Ông Markus Bissel cho biết các bên liên quan hỗ trợ ngành điện lực Việt Nam đã đi đến thống nhất xây dựng Tổ chuyên gia đặc trách về phát triển điện gió ngoài khơi (VEPG 7 –GIZ) nhằm tạo Kênh đối thoại chia sẻ các kinh nghiệm, thông lệ quốc tế hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Các thành viên của Tổ VEPG 7 – GIZ gồm đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổ chuyên trách có đại diện từ các đối tác phát triển: Ngân hàng thế giới; Đại sứ quán Đan Mạch; Đại sứ quán Anh; Đại sứ quán Na Uy; Đại sứ quán Úc;  Đại diện từ khu vực tư nhân (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu).

Nguyên tắc hoạt động của Tổ chuyên gia đặc trách VEPG 7 - GIZ sẽ cung cấp hỗ trợ về hậu cần và tài chính để tổ chức các cuộc họp của Tổ chuyên gia đặc trách,  các tổ chức cử chuyên gia tham dự các cuộc họp của Tổ công tác và Tổ chuyên gia đặc trách sẽ chi trả chi phí liên quan cho các chuyên gia này và họ sẽ tự chuẩn bị các báo cáo tương ứng.

VEPG 7 – GIZ cũng hướng đến mời gọi các ngân hàng và các tổ chức đầu tư hỗ trợ tài chính cho hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện. VEPG 7 – GIZ  cũng sẽ thảo luận với Chính phủ về việc khắc phục các khó khăn của EVN trong tiếp cận vốn vay của các ngân hàng phát triển cho hoạt động đầu tư vào các dự án chuyển giao công nghệ.

"Tổ chuyên gia đặc trách là công cụ huy động hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả đối với các dịch vụ tư vấn: Tư vấn chính sách về quy hoạch không gian biển và quy trình cấp phép; Tư vấn chính sách về tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện; Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và phát triển", ông Markus Bissel, Giám đốc Dự án Quan hệ Đối tác Năng lượng BMWK tại GIZ, cho biết thêm.