Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngành du lịch Việt Nam kết thúc năm 2024 với con số gần 17,6 triệu khách quốc tế và 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 840.000 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm...
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chí đánh giá lĩnh vực du lịch là một điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những nỗ lực phục hồi và phát triển toàn diện, du lịch Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng châu Á và thế giới. Du lịch cũng đóng góp 5 trong số 10 sự kiện tiêu biểu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể đạt được nếu tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp để phát triển bền vững.
Ngoài việc triển khai nhiều mô hình du lịch theo hướng bền vững, dấu ấn trong năm 2024 nằm ở việc Việt Nam đã triển khai thị thực điện tử cho công dân toàn cầu và mở rộng miễn thị thực lên 45 ngày.
NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐẦY ẤN TƯỢNG
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Saigontourist, chia sẻ rằng năm 2024, chính sách mới thông thoáng hơn về visa với du khách quốc tế đã mang đến bước nhảy vọt về lượng khách và doanh thu. Với những quốc gia đã được mở cửa visa 45 ngày, doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lượt khách lên đến 20%.
Bên cạnh đó, công nghệ đang làm thay đổi toàn diện cách khách du lịch tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ. Từ việc đặt vé qua ứng dụng di động, tham quan ảo các điểm đến trước khi đi, đến thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ đang giúp ngành du lịch Việt Nam tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng 33% so với năm 2023, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đạt 91,14%, tỷ lệ hài lòng đạt 98,64%... Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ du lịch không chỉ tạo điều kiện thuận tiện cho du khách, mà còn đóng góp vào tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, logistics hàng không được chú trọng để nâng cao khả năng kết nối. Năm 2024, các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã mở rộng đường bay quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng, giảm thời gian chờ đợi của du khách. Ông Lê Trọng Hùng, chuyên gia logistics tại Hiệp hội Hàng không Việt Nam, chia sẻ: “Hàng không và công nghệ là hai trụ cột giúp Việt Nam trở thành điểm đến dễ tiếp cận hơn. Với hơn 50 đường bay quốc tế mới được khai thác trong năm qua, chúng ta đang tạo điều kiện lý tưởng cho khách quốc tế quay lại”.
Năm 2025, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng. Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu, như: du lịch bền vững, du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình. Những xu hướng này mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Theo các chuyên gia, trong năm nay, dự kiến có ba loại hình du lịch sẽ thu hút khách ở Việt Nam là du lịch xanh, du lịch đêm và du lịch di sản. Ông Trần Đức, chuyên gia ngành du lịch tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Du lịch xanh không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao”.
Ông Đức dẫn chứng một ví dụ tiêu biểu là Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo, nơi áp dụng các sáng kiến xanh từ thiết kế bền vững đến chương trình tái tạo hệ sinh thái biển, đã thu hút lượng lớn khách quốc tế có ý thức môi trường.
Trong khi đó, du lịch đêm không chỉ gia tăng trải nghiệm của du khách mà còn mở ra cơ hội lớn để các địa phương tăng doanh thu. Báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, các sản phẩm du lịch đêm đã đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu ngành du lịch thành phố năm 2024.
Du lịch di sản là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam. Tại Tràng An, các tour du lịch di sản đóng vai trò chủ chốt, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của miền Bắc...
Tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hồ An Phong nhận định, sau 7 năm thực hiện, đến nay, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2025 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam