15:26 17/02/2025

Phát triển nhân lực thiết kế vi mạch số

Anh Nhi

Nằm trong Chương trình Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH Dolphin Technology Việt Nam Center và Tập đoàn Cadence phối hợp tổ chức chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số cho các giảng viên tại 18 trường đại học…

Đại diện NIC, Dolphin Technology Việt Nam Center, Cadence và các trường đại học tại buổi lễ khai giảng.
Đại diện NIC, Dolphin Technology Việt Nam Center, Cadence và các trường đại học tại buổi lễ khai giảng.

Sáng ngày 17/2, tại NIC, đã diễn ra Lễ khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số cho 18 học viện và trường đại học có chuyên ngành liên quan tới bán dẫn.

Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm NIC, cho biết NIC tiếp tục phối hợp với khối tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và các trường đại học đẩy mạnh các chương trình kết nối và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng đã ban hành Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lại phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, giai đoạn trước, sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch với khoảng 15.000 kỹ sư cho giai đoạn đến năm 2030.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Nghị quyết cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất cao cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trì hội nghị để triển khai nghị quyết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Trong tiến trình này, với vai trò cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia, NIC sẽ nỗ lực kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới để triển khai các khóa đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ đó từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn ngày càng vững chắc tại Việt Nam”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc trung tâm NIC, cho biết. “Khóa đào tạo lần này là bước khởi đầu quan trọng trong năm 2025 của NIC nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường”.

Theo ông Lê Hải Anh, Giám đốc Công ty Dolphin Technology Vietnam Center, hiện nay, nhu cầu về thiết kế vi mạch tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch là yếu tố then chốt để ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.

Lợi ích của khóa học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết, mà còn giúp học viên tiếp cận những công nghệ và công cụ thiết kế vi mạch số tiên tiến nhất trong ngành. Học viên sẽ được trang bị những kỹ năng thực tiễn từ việc viết mô tả thiết kế cho đến kiểm thử và tối ưu hóa các vi mạch số.

“Với sự đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kiểm thử vi mạch bán dẫn, nhu cầu nhân lực sẽ tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là mục tiêu xây dựng đội ngũ 50.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030. Đây là một cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho các học viên tham dự Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số. Từ việc gia nhập các tập đoàn quốc tế, cho đến việc phát triển sự nghiệp trong các công ty thiết kế vi mạch trong nước, thậm chí khởi nghiệp với những sáng tạo về công nghệ bán dẫn”, ông Hải Anh nói.