Phía sau cơn sốt hoa dẻ đỏ trên dãy Ngàn Nưa
Không chỉ là một loài hoa rừng bình dị, hoa dẻ đỏ trên dãy Ngàn Nưa (Thanh Hóa) đang trở thành hiện tượng trong giới chơi cây cảnh Việt Nam. Sắc đỏ huyết ngọc, hương thơm dịu dàng cùng câu chuyện lịch sử, địa linh đã khiến loài hoa này trở thành báu vật được săn lùng ráo riết. Nhưng phía sau cơn sốt ấy là những bài học đáng suy ngẫm về giá trị thực, sự loạn giá và hệ lụy môi trường

HOA DẺ ĐỎ- MỘT "HIỆN TƯỢNG" TRONG GIỚI CHƠI CÂY CẢNH
Trong vài năm trở lại đây, hoa dẻ đỏ bỗng chốc trở thành “hiện tượng” trong giới chơi cây cảnh, đặc biệt sau làn sóng lan đột biến. Không phải loài dẻ nào cũng được săn tìm, chỉ có dẻ đỏ với sắc hoa rực rỡ, cánh hoa cong xoắn như hình lồng đèn, hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ như thoảng hương mật ong pha chút hương gỗ rừng mới khiến người chơi say mê. Hương thơm ấy không gắt mà lan tỏa nhẹ nhàng, thoảng qua như một lời thì thầm của núi rừng, khiến ai một lần ngửi cũng khó quên.
Cơn sốt bắt nguồn từ các nhóm mạng xã hội, nơi những người chơi chia sẻ hình ảnh cây dẻ đỏ được chăm sóc cẩn thận trong chậu bonsai, từ đó giá trị loài hoa được nâng lên chóng mặt. Một cây dẻ đỏ trưởng thành có thể có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí lên tới cả trăm triệu đồng tùy theo màu sắc, thế cây, độ sai hoa và các yếu tố thẩm mỹ khác.
Theo phân loại của giới sưu tầm, hoa dẻ đỏ được chia thành 6 nhóm màu gọi là 6 “nước” bao gồm: Tiết chim câu (Ruby), Huyết long (Burgundy), Chu sa (Vermilion), Cam đậm (Honey Gold), Cam (Orange), và Vàng (Yellow). Mỗi sắc màu mang một nét đẹp và giá trị riêng, tuy nhiên, độ quý hiếm và giá trị của cây còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cánh hoa, tứ quý, vanh thân, thoát thân, tán cây, thời gian thuần chậu… tạo nên đẳng cấp thực sự của cây dẻ đỏ.

Đáng chú ý, hoa dẻ vàng vốn là loài cây thân thuộc với người dân nhiều vùng nhưng hiện nhưng dẻ đỏ lại vô cùng quý hiếm. Còn hoa dẻ đỏ màu huyết long sắc đỏ thẫm như máu rồng lại càng hiếm gặp hơn, gần như chỉ có thể tìm thấy trên dãy Ngàn Nưa, khiến nó trở thành “ngọc quý” trong giới chơi cây cảnh.
Một điểm cần lưu ý là hiện tượng “hoa nhuộm màu” trên thị trường thực tế không tồn tại. Thay vào đó, nhiều người bán hàng sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh để tăng cường sắc đỏ của hoa trên hình ảnh đăng bán, tạo cảm giác hoa rực rỡ hơn thực tế. Điều này gây khó khăn cho người mua trong việc đánh giá chính xác chất lượng cây qua hình ảnh trực tuyến.
Giá cây hoa dẻ đỏ trên thị trường hiện rất bất định, dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy theo hình thức, nguồn gốc và độ thuyết phục của người bán. Điều này khiến người mua mới dễ bị lừa, khó phân biệt được cây thật – cây giả, cây thuần chủng – cây lai ghép.
Ngoài ra, các cành chiết hoa dẻ đỏ cũng đang trở thành mặt hàng “hot”, thường phải đặt trước với giá hàng triệu đồng mỗi cành. Đây là phương pháp nhân giống được nhiều người chơi tin tưởng nhằm sở hữu cây thuần chủng, màu sắc ổn định mà không phải khai thác trực tiếp từ rừng.
Anh Lê Trung, một người chơi cây tại Thanh Hóa, chia sẻ: “Mỗi cây dẻ đỏ là một câu chuyện riêng, có cây mang sắc đỏ ruby như ngọc, có cây lại ánh lên sắc cam mật ong rất đặc biệt. Đó chính là điều khiến người chơi không thể rời mắt.”
ĐỈNH NGÀN NƯA- MÔI TRƯỜNG SỐNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ CHO CÂY DẺ ĐỎ
Dẻ đỏ không phải là loài hoa dễ tìm. Theo các nhà nghiên cứu và người dân địa phương, dẻ đỏ chỉ mọc tự nhiên trên dãy núi Ngàn Nưa, nơi giáp ranh ba huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất thiêng, nơi Bà Triệu từng khởi binh đánh giặc Ngô, với đền Nưa thờ bà và đỉnh Am Tiên – một trong năm huyệt đạo thiêng liêng của quốc gia.
Đặc biệt, dãy Ngàn Nưa sở hữu hai mỏ khoáng sản lớn hàng đầu Đông Nam Á: mỏ Serpentin tại Nông Cống và mỏ Cromit tại Triệu Sơn. Chính khoáng chất đặc biệt trong đất cùng khí thiêng trời đất đã tạo nên môi trường sống độc nhất vô nhị cho cây dẻ đỏ, khiến sắc hoa mang màu đỏ huyết ngọc không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.

Cụ Mão, người dân bản địa, tâm sự: “Trước đây, bà con chỉ hái hoa dẻ đỏ về ướp gối hay làm rượu. Giờ thì người ta đổ xô lên núi đào cây, tôi lo lắm. Rừng thiêng mà cứ bị bứng cây như thế này thì không biết rồi sẽ ra sao.”
Sự kết hợp giữa đất đặc biệt, khí hậu núi rừng và truyền thống văn hóa thiêng liêng đã tạo nên một loài hoa không chỉ đẹp mà còn mang trong mình linh hồn của vùng đất Ngàn Nưa.
LOẠN GIÁ HOA DẺ ĐỎ VÀ NHỮNG CON SỐ GÂY SỐC
Cơn sốt hoa dẻ đỏ kéo theo sự loạn giá và thị trường phức tạp. Giá cây dẻ đỏ có thể bị đẩy lên gấp nhiều lần giá trị thực, khiến người chơi mới dễ bị lừa.
Trong giới chơi hoa dẻ đỏ, không ít lần cộng đồng mạng xôn xao trước những con số “khủng” được chi ra cho một cây hoa dẻ. Anh Nguyễn Dũng, một người sưu tầm hoa dẻ nổi tiếng trong các hội nhóm cây cảnh, từng gây sốt khi chi tới 250 triệu đồng để sở hữu một cây hoa dẻ đỏ được xem là đẹp nhất Việt Nam. Một trường hợp khác, một chủ nhân tại Hà Nội từng gây bất ngờ khi hét giá lên tới 1,2 tỷ đồng cho một cây hoa dẻ đỏ của mình, con số khiến nhiều người phải giật mình.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay chưa có một tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào để đánh giá chính xác giá trị của cây hoa dẻ đỏ. Giá cả trên thị trường, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, có thể dao động từ vài triệu cho đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, tùy thuộc vào tâm lý người mua, sự thẩm định của cộng đồng và các yếu tố như màu sắc, thế cây, độ sai hoa.
Giao dịch hoa dẻ đỏ chủ yếu diễn ra qua mạng xã hội, không có ràng buộc pháp lý nào, phần lớn mang tính tự phát và dựa trên sự chiếm dụng niềm tin giữa người mua và người bán. Điều này khiến thị trường trở nên thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người chơi mới.
Việc thiếu chuẩn mực trong định giá khiến thị trường hoa dẻ đỏ trở nên phức tạp, dễ dẫn đến hiện tượng “thổi giá”, làm khó cho người chơi mới và cả những người sưu tầm chân chính.
BẢO VỆ, BẢO TỒN LOÀI HOA ĐẶC HỮU CỦA THIÊN NHIÊN VIỆT NAM
Sự bùng nổ nhu cầu khiến nhiều người dân địa phương và thợ rừng đổ xô lên núi khai thác cây dẻ đỏ tự nhiên. Việc đào bới tận gốc, dùng cả cuốc, dao đã làm suy giảm nghiêm trọng diện tích rừng nguyên sinh trên dãy Ngàn Nưa.
Năm 2024, sau khi phóng viên VnEconomy có bài viết phản ánh việc khai thác quá mức cây hoa dẻ đỏ trong tự nhiên, chính quyền xã Tân Khang, huyện Nông Cống đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của 60 hộ dân địa phương. Tại Ủy ban nhân dân xã, các hộ dân được yêu cầu ký cam kết không tiếp tục khai thác cây hoa dẻ đỏ trong tự nhiên nhằm bảo vệ nguồn gen quý hiếm và giữ gìn môi trường sinh thái. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài hoa đặc hữu này.

Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng bộc lộ hạn chế khi ngay sau đó, nhiều người dân vẫn tiếp tục vào rừng khai thác hoa dẻ đỏ như bình thường. Việc quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, cộng với áp lực kinh tế khiến cho việc bảo vệ rừng và loài hoa quý trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước thực trạng đó, một hướng đi mới được nhiều người trong giới chơi hoa và chuyên gia đề xuất, nhằm vừa phát triển thú chơi hoa dẻ đỏ một cách lành mạnh, vừa bảo tồn nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên. Đó là kỹ thuật chiết cành và tạo ra các phôi cây giống thuần chủng từ những cây dẻ đỏ có chất lượng tốt, được trồng và chăm sóc trong điều kiện kiểm soát.
Anh Nguyễn Dũng, người sưu tầm hoa dẻ đỏ nổi tiếng từng chi 250 triệu đồng cho một cây hoa đẹp nhất Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa để nhân giống hàng nghìn cây dẻ đỏ thuần chủng, có màu sắc ổn định và chất lượng cao. Mục tiêu của anh là cung cấp cây giống sạch, giúp người chơi có thể tiếp cận cây dẻ đỏ chất lượng mà không phải khai thác rừng tự nhiên, đồng thời góp phần bảo tồn loài hoa đặc hữu của quê hương.
Anh chia sẻ: “Chúng ta phải chơi hoa một cách có trách nhiệm, không thể vì lợi ích trước mắt mà làm cạn kiệt nguồn gen quý hiếm. Việc nhân giống thuần chủng không chỉ giúp người chơi có cây đẹp, bền lâu mà còn góp phần bảo tồn loài hoa đặc hữu của quê hương.”
Hướng đi này đang nhận được sự đồng thuận ngày càng lớn trong cộng đồng, hứa hẹn mở ra tương lai phát triển bền vững cho thú chơi hoa dẻ đỏ, đồng thời bảo vệ được vẻ đẹp và giá trị thiên nhiên của dãy Ngàn Nưa.
Dẻ đỏ loài hoa của núi thiêng, với hương thơm dịu dàng và sắc đỏ rực rỡ ấy không chỉ là vẻ đẹp của đất trời mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm giữ gìn di sản thiên nhiên quý giá.