17:21 10/04/2024

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi xanh là con đường có khó khăn nhưng không thể không làm

Phúc Minh

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chuyển đổi sớm, dù con đường này sẽ có nhiều thách thức...

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình. Ảnh: Việt Dũng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình. Ảnh: Việt Dũng.

Ngày 10/4/2024, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 với chủ đề: Tiến trình Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững-Từ chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình.

CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ XU THẾ TẤT YẾU 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao, Thành phố Hải Phòng, và Tạp chí Kinh tế Việt Nam trong lựa chọn chủ để hết sức thời sự tại Diễn đàn thường niên lần này.

Nhấn mạnh đến tinh thần kết nối của hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng chủ đề kết nối không chỉ dừng lại ở kết nối Việt Nam, kinh tế xanh và phát triển bền vững, mà còn kết nối giữa Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Rộng hơn là kết nối quốc tế với Việt Nam. 

Phó Thủ tướng khẳng định đến nay thế giới đã chuyển qua giai đoạn phát triển, hiện thách thức lớn nhất là sự chuyển đổi. Từ đó, đặt ra vấn đề mô hình phát triển truyền thống dựa vào tài nguyên thiên nhiên, hay các mô hình qua ba cuộc cách mạng công nghiệp có còn phù hợp hay không.

Theo Phú Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất khó để tự mình giải quyết được. Càng phát triển cũng đi liền với các vấn đề xã hội khác như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề môi trường, tài nguyên, lương thực…Tuy nhiên, đây tiếp tục là những thách thức của toàn cầu, diễn ra trên mọi châu lục, ở cả nước phát triển hay đang phát triển.

“Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, nếu như không có sự chung lưng đấu cật của toàn thế giới. Trong đó, các nước phát triển, đang phát triển cần cùng nhau hành động và đạt được một số mục tiêu”, Phó Thủ tướng nói.

Vì thế, thách thức đặt ra cũng là lựa chọn được mô hình phát triển mà hôm nay hội nghị đang nói đến, đó là kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…

Phó Thủ tướng cho biết nói về phát triển bền vững, Việt Nam cũng đã có bộ các chỉ tiêu để “cân đo, đong đếm” sự phát triển này. Nhưng rõ ràng, để đạt mục tiêu thiên niên kỷ còn rất ra. Với những vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh hiện nay nảy sinh từ sự phát triển không bền vững, đòi hỏi cần có sự thay đổi, dù khó khăn. “Đây là lựa chọn bắt buộc phải làm”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, và là hành động mà chúng ta cần chuyển đổi sớm để bảo vệ chính mình.

Lần đầu tiên tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã thể hiện rõ ý chí của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP 26, Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu cam kết về Net Zero bằng 0 vào năm 2050, dù ngay cả với các nước phát triển đây vẫn là một thách thức lớn.

“Đây là con đường để tự cứu mình. Đã đến lúc cần có cách nhìn nhận hiện thực hóa các chủ trương này. Đó sẽ không còn là khẩu hiệu hay lời kêu gọi mà đòi hỏi chúng ta cần chuyển nhanh từ nhận thức sang hành động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, hành động cần xuất phát từ mỗi cá nhân, mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Trên con đường Net Zero cần giải quyết được bài toàn về công nghệ; không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề theo Phó Thủ tướng sẽ quyết định đến thành công của kinh tế xanh là năng lượng sạch, chuyển đổi này đòi hỏi các nước phải cùng nhau hành động, dù trình độ và khả năng khác nhau.

TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ THUẬN LỢI CHO LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH

Từ góc độ của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện Chính phủ cũng đang tập trung để sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực điện lực.

Chính phủ cũng đang dự kiến thay đổi một số nghị định, tạo môi trường pháp lý để có lộ trình chuyển đổi xanh; xây dựng một số cơ chế để các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ được hình thành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Ảnh: Việt Dũng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Ảnh: Việt Dũng.

Về xác định các mô hình kinh tế, Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch để Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể cùng nhau thực hiện được kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào để thực hiện được mục tiêu Net Zero cũng đang được thảo luận.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong công cuộc đó, chuyển đổi quan trọng nhất là liên quan đến năng lượng, trong đó tài chính và công nghệ là bài toán đau đầu đối với các quốc gia, cũng như Chính phủ Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, đây là mục tiêu dù khó khăn nhưng Chính phủ không thể không làm. Quan trọng nhất là bước đi ban đầu ở đâu, làm thế nào để có công nghệ.

Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để quyết định trong việc thu hút FDI, đặc biệt trong lựa chọn các dự án đầu tư. Hiện nếu chỉ thu hút đầu tư dựa vào đất đai, nhân công giá rẻ…thì sẽ không còn giá trị.

Xu hướng thu hút đầu tư sắp tới sẽ có hai thứ, năng lượng xanh, tín chỉ xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao. “Hai yếu tố này Việt Nam có tiềm năng và tài nguyên, nhưng để tận dụng được phục vụ cho phát triển kinh tế, chúng tôi gửi gắm đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp FDI đồng hành để cùng nhau chuyển đổi, cam kết đi tiên phong.

“Phát triển bền vững là chặng đường còn khá xa, nhưng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp sẽ là những chặng đầu mà chúng ta bắt buộc phải đi qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, từ đó cần định hình cơ chế thay đổi, không đi theo con đường cũ, nghĩa là dự án vào chỉ cần có đầu tư, mà nên chọn dự án giúp cho mô hình phát triển của đất nước, tạo ra nhu cầu đào tạo và phát triển con người, phục vụ cho mô hình xanh. Từ đó, tạo ra sự tiên phong cho những sự thay đổi tiếp theo.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong quá trình chuyển đổi, Chính phủ, các địa phương sẽ luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để có những hỗ trợ cần thiết; cũng như có những cơ chế trên phạm vi toàn cầu để chuyển đổi theo.

"Doanh nghiệp hãy bàn vấn đề giúp cho Chính phủ, chính quyền địa phương cũng sẽ đồng hành với doanh nghiêp để thực hiện thành công các dự án đầu tư", Phó Thủ tướng nói.