Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đã hình thành "vành đai chống dịch" quanh TP.HCM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cơ bản đã hình thành “vành đai chống dịch” xung quanh TP.HCM. Các tỉnh lân cận cần tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TP.HCM, bảo đảm lưu thông hàng hóa, không bị ách tắc...
Chiều 9/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp với các địa phương lân cận TP.HCM gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay tỉnh đã ghi nhận 160 ca mắc. Trong những ngày tới, dự báo số ca mắc Covid-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0, hiện đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường.
Với Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh thông tin, tỉnh đã ghi nhận 176 ca Covid-19, trong đó có 17 ca nhiễm trong cộng đồng, cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, hiện chưa phát sinh vấn đề gì lớn.
Tỉnh cũng đã xây dựng các phương án phòng chống dịch chủ động, linh hoạt với các tình huống, đảm bảo chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ. Thời gian tới, Tây Ninh sẽ kiểm soát chặt người từ các địa phương ra vào tỉnh, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển…
Đối với công nhân từ các địa phương khác ra vào Tây Ninh làm việc hằng ngày, tỉnh đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương cùng phối hợp để quản lý hiệu quả.
Tại Bình Dương, theo lãnh đạo tỉnh thì đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã ghi nhận 1.118 ca Covid-19 trong cộng đồng với 17 ổ dịch. Tỉnh đã tăng cường năng lực cách ly, điều trị, xét nghiệm, chuẩn bị kế hoạch ứng phó tình huống 2.000 ca F0.
Còn tại Long An, theo lãnh đạo tỉnh này, từ ngày 27/5 tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, đến nay đã có tổng số 412 ca Covid-19 trong cộng đồng. Hiện Long An đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 theo từng địa bàn, đảm bảo giao lưu hàng hóa bình thường, phối hợp với các địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động tại tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng người hằng ngày đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, Long An có tới hơn 36.000 người làm việc tại TP.HCM. Số công nhân từ TP.HCM làm việc tại tỉnh cũng trên 20.000 người.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, về cơ bản đã hình thành “vành đai chống dịch” xung quanh TP.HCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TP.HCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong 15 ngày tới, các tỉnh cùng với TP.HCM cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các giải pháp để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, đối với những khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải làm rất nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Khi đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất nhưng phải tuyệt đối an toàn.
Chính quyền địa phương vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Khoanh hẹp mà chặt, thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, đã khoanh là khoanh cho chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, công tác lấy mẫu, xét nghiệm cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các tỉnh phải kết hợp linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm tọng điểm, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm hay điểm tiêm vaccine. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm. Lấy mẫu về phải trả kết quả xét nghiệm trong 24h, “không chạy theo phong trào”, không để tồn đọng mẫu.
Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo mô hình 3 cấp, thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có dành cho các trường hợp F0 mà không có triệu chứng.
Đồng thời, có cơ chế theo dõi những F0 có triệu chứng nặng lên thì chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.
Các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo. Trong tình huống có quá nhiều F1, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của y tế địa phương và tổ Covid cộng đồng. Tránh cách ly quá nhiều F1 vào khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, để xảy ra lây nhiễm chéo.