Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM phải tính đến giải pháp "mạnh hơn nữa"
Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM kiên trì, trước hết đã thực hiện giãn cách xã hội là phải nghiêm ngặt, với một số địa bàn quá đặc thù, khó kiểm soát thì phải có những giải pháp "mạnh hơn nữa"…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lưu ý nội dung này tại cuộc giao ban với lãnh đạo TP.HCM và một số quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, chiều 20/7.
ƯU TIÊN VACCINE TỐI ĐA CHO TP.HCM
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong tình hình dịch hiện nay, TP.HCM phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp về điều tra dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa, kiểm soát các khu cách ly, điều trị, thực hiện nghiêm việc cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0… mới có hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 đến 10 ngày tới.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để giảm áp lực cho hệ thống điều trị để tập trung điều trị những ca bệnh nặng, những trường hợp F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc đã điều trị ổn định, sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung F0 ở 24 quận, huyện và TP. Thủ Đức với tổng công suất khoảng 24.000 giường.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đồng ý với đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đối với những F0 sau 7 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc nồng độ virus rất thấp, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ được về cách ly, theo dõi y tế, xét nghiệm tại nhà.
Tương tự, đối với các trường hợp F1 nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Đối với những trường hợp F1 cách ly tập trung, sau 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đưa về cách ly tại nhà, tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 14.
Về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 5, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, đợt này thành phố được phân bổ hơn 930.000 liều. Hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký, tuy nhiên, thành phố sẽ ưu tiên cho đối tượng là người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người trong hệ thống phân phối hàng hóa.
TP.HCM dự kiến sẽ triển khai tiêm tại 20 bệnh viện, 624 điểm tiêm trong thời gian 2 tuần, nhưng không nhất thiết chia đều trong từng ngày. TP.HCM và Bộ Y tế đã thống nhất triển khai tiêm vaccine theo đối tượng ưu tiên, không phân biệt theo vùng nguy cơ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ đã ký hợp đồng mua vaccine Astra Zeneca, Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson's. Đợt này TP.HCM được phân bổ nhiều loại vaccine khác nhau, nhưng Bộ Y tế đề nghị không phân biệt các loại vaccine. Bộ sẽ tiếp tục tính toán loại vaccine tiêm mũi 2 cho phù hợp nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin, dự kiến từ nay đến tháng 9/2021 lượng vaccine phân bổ cho TP.HCM tối thiểu 5 triệu liều, như vậy đạt khoảng 50% đối tượng tiêm vaccine.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân thành phố, bảo đảm an toàn, phù hợp, đúng đối tượng. Ngoài các đối tượng ưu tiên, cần quan tâm đến bộ phận người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn có điều kiện sinh hoạt rất chật chội, đang ở trong vùng phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đồng thời hạn chế nguồn lây nhiễm mới phát sinh.
“Nguồn cung vaccine trên thế giới đang rất khan hiếm, nên ngoài nguồn vaccine của Trung ương, thành phố cũng tích cực tìm kiếm để có nhiều nhất, sớm nhất vaccine tiêm cho người dân”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các hoạt động đàm phán, tìm kiếm nguồn vaccine phòng Covid-19 đã được thực hiện từ tháng 8/2020. Theo các hợp đồng đã ký, về cơ bản chúng ta có đủ lượng vaccine để tiêm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8/2021, lượng vaccine về chưa nhiều. Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho thành phố. Tới đây khi tiếp tục có các lô vaccine về Việt Nam, Chính phủ sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho thành phố với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.
SỐ CA NHIỄM VẪN CÒN LỚN TRONG NHỮNG NGÀY TỚI
Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta chưa có kinh nghiệm điều hành chống dịch đô thị lớn, đông dân, có nhiều khu công nghiệp như TP.HCM với số ca nhiễm hàng ngày rất lớn.
Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dự báo trong những ngày tới số ca nhiễm vẫn còn lớn. Thành phố đang đứng trước thách thức rất lớn là phải tiếp tục “bóc” thật nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng để chặn đứt nguồn lây nhiễm của virus, nhất là đối với những người cao tuổi, có bệnh nền. Mặt khác phải chuẩn bị những bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 rất lớn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố phải kiên trì, trước hết đã thực hiện giãn cách xã hội là phải nghiêm ngặt, thậm chí một số địa bàn quá đặc thù, khó kiểm soát thì phải có những giải pháp mạnh hơn nữa.
Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh chiến lược truy vết, xét nghiệm, “bóc” các F0 tại những khu vực có nguy cơ rất cao thì thành phố cố gắng duy trì, tăng cường xét nghiệm tầm soát, sàng lọc để củng cố những vùng an toàn, làm sạch và đưa những vùng nguy cơ cao dần về an toàn.
Về lưu thông, phân phối hàng hóa, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ngành công thương để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách. Bất kỳ loại hình phân phối nào (chợ, siêu thị, cửa hàng…) kiểm soát được an toàn dịch bệnh thì từng bước cho phép hoạt động trở lại.
Phó Thủ tướng tin tưởng: Nếu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân TP.HCM cùng nỗ lực, quyết tâm làm tốt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch đã được thống nhất thì 7 đến 10 ngày tới tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ từng bước được kiểm soát tốt hơn.