16:51 15/09/2021

Phó Tổng Giám đốc Napas ngồi "ghế nóng" Chủ nhiệm VietFintech

Trâm Anh

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) được bầu giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng (VietFintech) nhiệm kỳ II...

 Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech nhiệm kỳ mới.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech nhiệm kỳ mới.

Ngày 15/9, Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng (VietFintech) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ nhiệm kỳ II giai đoạn 2021-2024.

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech nhiệm kỳ mới được bầu gồm 5 thành viên. Trong đó, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) được bầu giữ chức Chủ nhiệm.

Các Phó Chủ nhiệm gồm các ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn NextTech; ông Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Trung tâm VNPT Fintech, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media); bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Foxpay - Trung tâm Thanh toán Trực tuyến FPT Telecom; ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel.

 
Trong thời gian qua, VietFintech đồng tổ chức và là đối tác hệ sinh thái Chương trình Thử thách sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV); “bắt tay” với Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) thành lập Fintech Lab đầu tiên tại Việt Nam, ươm mầm các startup tiềm năng trong lĩnh vực fintech.

Nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ đầu tiên, VietFintech đã tích cực tham gia quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, góp phần xây dựng quy định triển khai các hoạt động fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam.

Đáng chú ý, năm 2020, VietFintech đã tích cực góp ý vào dự thảo Bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm fintech trong hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

VietFintech đang dần trở thành cầu nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển giữa các fintech và ngân hàng thương mại. Đồng thời, tích cực nghiên cứu ứng dụng, triển khai các đề tài nghiên cứu, các dự án nghiên cứu, phát triển thực nghiệm các giải pháp fintech trong hoạt động triển khai các biện pháp, giải pháp tài chính toàn diện, tài chính vi mô… tại Việt Nam. 

VietFintech cũng tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và đối tác fintech Hàn Quốc, Litva, Singapore, Đài Loan, Thái Lan… nhằm trao đổi hợp tác và giới thiệu thị trường fintech Việt Nam, cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực fintech.

Tính đến ngày 15/08/2021, số hội viên đủ điều kiện tham gia VietFintech là 31 hội viên, trong đó, 17 hội viên là tổ chức, 13 hội viên là cá nhân, 1 hội viên liên kết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của VietFintech cồn nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Cụ thể, trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid nên một số hoạt động theo kế hoạch của câu lạc bộ không thực hiện được như mở rộng Fintechlab, hoàn thiện nâng cấp website… Đặc biệt, tháng 7/2020, đồng chí Chủ nhiệm đột ngột qua đời và các thành viên Ban Chủ nhiệm quá bận công tác riêng nên trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ I, Ban Chủ nhiệm không thường xuyên, thiếu sát sao chỉ đạo triển khai các kế hoạch, công việc của câu lạc bộ.

Trong nhiệm kỳ tới, VietFintech sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ,

Đồng thời, VietFintech tiếp tục thực hiện, phát triển chương trình “Fintech Lab”, thử nghiệm các công nghệ, mô hình kinh doanh fintech mới. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong hệ sinh thái fintech, kết nối với các định chế tài chính góp phần phát triển thị trường fintech tại Việt Nam.

Ngoài ra, VietFintech tham gia đóng góp ý kiến xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới liên quan đến lĩnh vực fintech đang được Nhà nước và xã hội quan tâm như cơ chế thử nghiệm sandbox, P2P lending (cho vay ngang hàng), ngân hàng số…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, dù hoạt động fintech mới chỉ manh nha từ năm 2017 đến nay, nhưng chỉ trong vài năm, đã phát triển vượt bậc. Đặc biệt, ngày 6/9/2021 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, đã đưa fintech lên tầm cao mới.

Trong bối cảnh hiện nay, khi hành lang pháp lý chung cho hoạt động fintech chưa rõ ràng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Hùng cho rằng, hoạt động của VietFintech cần định hướng rõ ràng hơn trong thời gian tới, với những chính sách phù hợp để câu lạc bộ hoạt động an toàn, hiệu quả.

 
Theo khảo sát của MasOffer Fintech – nền tảng Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) hàng đầu Việt Nam, hiện có khoảng 131 công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam. Số lượng startup trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam đã tăng hơn 195% trong giai đoạn 2017-2020, từ 44 công ty năm 2017 lên 131 công ty vào năm 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm gần 28% số lượng các công ty fintech. Fintech Việt Nam hút khoảng 8 tỷ USD vốn ngoại trong năm 2020, gần gấp đôi năm 2017.