Phó tổng thống Mỹ: “Mỹ không muốn phân ly với Trung Quốc”
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 24/10 phủ nhận những đánh giá cho rằng Mỹ đang tìm cách “phân ly” với Trung Quốc
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 24/10 phủ nhận những đánh giá cho rằng Mỹ đang tìm cách "phân ly" với Trung Quốc cho dù Washington đang "đối mặt nhiều thách thức trong mối quan hệ Mỹ-Trung".
"Nước Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc", hãng tin CNBC dẫn lời ông Pence trong một bài phát biểu về tương lai quan hệ hai nước. "Chúng ta không tìm cách kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc".
"Nhưng đến hiện tại, có vẻ như Trung Quốc tiếp tục chống lại sự mở cửa thực sự hoặc hòa nhập với các nguyên tắc toàn cầu", ông Pence nói. Ông cũng cho rằng chính hành động của Trung Quốc "cho thấy Trung Quốc đã và đang phân ly với thế giới trong nhiều thập kỷ".
Bài phát biểu của ông Pence tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington được đưa ra trong bối cảnh hai siêu cường kinh tế nỗ lực đàm phán để đi đến một thỏa thuận thương mại một phần. Trong cuộc đàm phán đang diễn ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump gây sức ép đòi Trung Quốc giải quyết nhiều vấn đề, gồm thâm hụt thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ, và chuyển giao công nghệ.
Theo ông Pence, ông Trump "đã sẵn sàng để bắt đầu một tương lai mới" trong quan hệ Mỹ-Trung nếu Trung Quốc "cam kết chấm dứt những hành vi thương mại lợi dụng người Mỹ trong thời gian quá dài".
Ông Pence nói thêm: "Mọi người có những lúc đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump có đang tìm cách phân ly với Trung Quốc hay không. Câu trả lời chắc chắn là ‘không’".
"Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc và muốn chứng kiến sự hợp tác của Trung Quốc với thế giới theo một phương thức dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và các quy định thương mại quốc tế", ông Pence nói.
Bên cạnh đó, bài phát biểu của ông Pence cũng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, cho rằng "Bắc Kinh đã gia tăng can thiệp vào Hồng Kông và có những hành động hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông".
Ông Pence cũng gửi lời nhắn đến người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông rằng "chúng tôi đứng về phái các bạn".
Hãng tin Bloomberg đánh giá rằng bài phát biểu của ông Pence cho thấy vị Phó tổng thống Mỹ đã cố gắng cân bằng giữa cứng rắn và mềm mỏng với Trung Quốc. "Cho dù đang diễn ra một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn và sức mạnh của nước Mỹ ngày càng gia tăng, chúng tôi muốn điều tốt đẹp hơn cho Trung Quốc", ông nói.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngành 25/10 nhìn chung hoan nghênh quan điểm mà ông Pence đưa ra. Tờ Thời báo Hoàn cầu nói ông Pence thể hiện một "thái độ tích cực" nhằm tiến tới đạt một thỏa thuận thương mại, nhưng cũng nói ông "phỉ báng" Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, Đài Loan và người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương.
"Trung Quốc và Mỹ có hệ thống chính trị khác nhau. Điều này có nghĩa là Mỹ không thể thay đổi nền móng chính trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ có nhiều lý do để theo đuổi sự song song tồn tại trong hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi", bài báo viết.
Bài phát biểu trên lẽ ra đã được ông Pence đưa ra vào ngày 4/6, nhưng bị hoãn lại để tránh gây căng thẳng trước cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Theo dự kiến, ông Trump và ông Tập có thể ký kết một thỏa thuận thương mại một phần vào tháng 11, khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile.
Nhà Trắng cho biết, theo nhất trí mà các nhà đàm phán cấp cao hai nước đã đạt được vào đầu tháng này, Trung Quốc sẽ chi mỗi năm 40-50 tỷ USD để mua nông sản Mỹ trong vòng 2 năm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhất trí một số biện pháp nhất định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và một số nhượng bộ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và tỷ giá.
Đổi lại, Trung Quốc hoãn tăng thuế quan bổ sung từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10. Kế hoạch áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc vào ngày 15/12 vẫn chưa bị hủy.
Thỏa thuận này có thể giải quyết một số vấn đề ngắn hạn trong thương chiến Mỹ-Trung, nhưng những mâu thuẫn gay gắt nhất giữa hai bên vẫn còn đó, bao gồm cáo buộc của Mỹ nói Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho các công ty quốc doanh.