Phó viện trưởng IPS: Tập trung 5 lĩnh vực để đạt tăng trưởng 2 con số
Ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS) nhận định dù có một số động lực để đạt mức tăng trưởng trên 10%, Việt Nam cần chú trọng 5 lĩnh vực để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững...

Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 vào chiều 8/7, ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS), thuộc Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhận định Việt Nam hiện có một số nhóm động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên trong 5 năm tới, một mức mà nước ta chưa đạt được trong suốt 40 năm đổi mới.
CÓ ĐỘNG LỰC ĐỂ ĐẠT TĂNG TRƯỞNG TRÊN 10%
Theo đó, động lực đầu tiên đến từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng nếu Việt Nam tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, nâng cấp sản phẩm trong chuỗi giá trị. Trong nhóm ngành này thì công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có dư địa lớn nhất.
Với một số ngành khác, nếu tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, áp dụng tự động hóa, chuyển đổi số, nâng cấp phụ tùng nguyên liệu, thì cũng có thể tạo ra được sự chuyển đổi. Một ví dụ là ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Đây là “mỏ vàng” rất lớn của Việt Nam nếu giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế.
Xây dựng cũng là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bứt phá với các công trình trọng điểm của Nhà nước về mở rộng hệ thống đường cao tốc, cảng biển và xây dựng và hệ thống cảng hàng không.
Động lực thứ hai là dịch vụ, vốn có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là với các ngành du lịch, thương mại điện tử, vận tải kho bãi và dịch vụ tài chính. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng rất mạnh nếu khai thác được các dư địa trong thời gian tới, gắn với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.
Nông nghiệp vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành này, kể cả trong lĩnh vực sản xuất hay xuất khẩu. Theo đó, cần khai thác ngành theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, định hình thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Động lực thứ ba chính là tận dụng dư địa phát triển từ các cực tăng trưởng. Tại nhiều vùng địa phương, tiềm năng phát triển vẫn còn, đặc biệt là ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, nhân lực và tài nguyên. Nhân tố này càng trở nên nổi bật khi Đảng và Chính phủ đang trải qua cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa phương để mở rộng không gian phát triển.
CẦN QUẢN TRỊ 5 LĨNH VỰC CHÍNH
Mặc dù có động lực để tăng trưởng 2 con số, nhưng để đảm bảo quá trình này diễn ra trong dài hạn chứ không phải là “ngôi sao một mùa”, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS) khuyến nghị Nhà nước cần phải quản trị 5 lĩnh vực để đảm bảo tăng trưởng bền vững, kéo dài.
Thứ nhất, cần đảm bảo quá trình tăng trưởng đi liền với chuyển đổi mô hình phát triển, tránh việc dựa quá nhiều vào tăng trưởng vốn trong khi các yếu tố khác như năng suất, khả năng đổi mới sáng tạo bị lãng quên.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là một nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong bất kỳ thời điểm nào. Theo đó, Việt Nam cần thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để đảm bảo dòng tín dụng không đi vào vùng rủi ro cao, tạo ra bong bóng kinh tế.
Thứ ba, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cần phải được duy trì trong một thời gian dài, đặc biệt là đảm bảo những điều kiện như điện năng cũng như yếu tố cạnh tranh công bằng giữa các mô hình doanh nghiệp.
Thứ tư, đi liền với yếu tố tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải chú ý đến bình đẳng xã hội khi một số khu vực có tốc độ phát triển nhanh hơn những địa phương khác, dẫn đến tăng trưởng không tạo ra tăng năng suất lao động tương ứng.
Thứ năm, tăng trưởng cần phải đảm bảo vấn đề về môi trường. Theo đó, Việt Nam không thể tăng trưởng bằng mọi giá, dựa trên tận dụng tài nguyên và công nghệ lạc hậu, gây ra hệ lụy kinh tế lớn cho những giai đoạn sau.