07:11 02/07/2009

Phố Wall khởi sắc, thanh khoản sụt giảm

Duy Cường

Ngày 1/7, chứng khoán Mỹ đã khởi đầu phiên giao dịch quý 3 thành công khi cả ba chỉ số đều lên điểm

Nỗi lo về tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 lại làm thị trường mất đi mức độ hưng phấn và qua đó chỉ giúp các chỉ số tăng nhẹ - Ảnh: AP.
Nỗi lo về tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 lại làm thị trường mất đi mức độ hưng phấn và qua đó chỉ giúp các chỉ số tăng nhẹ - Ảnh: AP.
Ngày 1/7, chứng khoán Mỹ đã khởi đầu phiên giao dịch quý 3 thành công khi cả ba chỉ số đều lên điểm.

Hôm thứ Tư, ADP Employer Services cho biết, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 473.000 việc làm trong tháng 6/2009, từ mức 485.000 trong tháng 5.

Ngày 2/7 tới, Bộ Lao động Mỹ sẽ chính thức công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6. Theo giới phân tích nhận định, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 6 sẽ tăng lên 9,6%, từ mức 9,4% trong tháng 5.

Cùng ngày, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 6/2009 đã tăng lên 44,8 điểm, từ mức 42,8 điểm trong tháng 5. Như vậy, chỉ số ISM ngành sản xuất đã tăng điểm tháng thứ hai liên tiếp, mở ra hy vọng về sự phục hồi của ngành này.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho hay chi xây dựng ở nước này đã giảm 0,9% trong tháng 5/2009 - gần gấp đôi so với mức dự báo giảm 0,5% của giới phân tích. Trong tháng 4, chi xây dựng ở Mỹ đã tăng 0,6%.

Liên quan đến thị trường bất động sản, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) vừa cho biết chỉ số về doanh số nhà chờ bán trong tháng 5/2009 đã tăng 0,1%, lên mức 90,7 điểm - đây là tháng tăng điểm thứ tư liên tiếp của chỉ số này.

Nỗi lo thanh khoản

Chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch khởi đầu quý 3 thành công khi ngành sản xuất ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều mở ra hy vọng về sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, nỗi lo về tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 lại làm thị trường mất đi mức độ hưng phấn và qua đó chỉ giúp các chỉ số tăng nhẹ.

Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức tăng 0,6% và tiếp tục bật mạnh lên sau đó để đưa các chỉ số tăng trên 1,25%. Tuy nhiên, trước những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 có thể tăng lên 9,6%, lượng cung cổ phiếu bắt đầu tăng lên trong khi lượng cầu ở mức giá cao không còn duy trì được như thời điểm đầu phiên buổi sáng.

Sự thận trọng của nhà đầu tư đã khiến cả ba chỉ số chỉ đạt được mức tăng khiêm tốn chứ chưa tạo nên được sự hứng khởi thực sự cho thị trường. Bên cạnh đó, sự thận trọng cũng khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, dù còn 1 phiên nữa thị trường mới nghỉ giao dịch nhân ngày lễ độc lập.

Yếu tố thanh khoản lại khiến thị trường trở nên lo lắng hơn khi chỉ có 950,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công trên sàn New York - giảm gần 30% so với phiên trước và thấp hơn 36% so với mức giao dịch trung bình/ngày của 6 tháng đầu năm.

24/30 cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Dow Jones phiên này đều tăng điểm, trong khi đó 6 cổ phiếu mất điểm thì chủ yếu lại là cổ phiếu khối ngân hàng như Bank of America (-1,14), American Express (-1,03%) và JPMorgan Chase (-1%).

Những cổ phiếu làm động lực kéo thị trường tăng điểm gồm có: cổ phiếu Kraft Foods tăng 5%, cổ phiếu Intel tiến thêm 3%, cổ phiếu Chevron, Exxon Mobil tăng lần lượt là 0,4% và 1%.
Phố Wall khởi sắc, thanh khoản sụt giảm - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 1/7 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 1/7: chỉ số Dow Jones tăng 57,06 điểm, tương đương 0,68%, chốt ở mức 8.504,06.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 10,68 điểm, tương đương 0,58%, chốt ở mức 1.845,72.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 4,01 điểm, tương đương 0,44%, đóng cửa ở mức 923,33.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; báo cáo về tình trạng việc làm trong tháng 5; số đơn đặt hàng từ các nhà máy ở Mỹ.

Thứ Sáu: Tất cả các thị trường tài chính Mỹ nghỉ giao dịch nhân ngày lễ - Ngày độc lập.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng hơn 2%

Giá kim loại thô tăng mạnh đã giúp cổ phiếu khối khai mỏ tăng điểm trong khi khối ngân hàng cũng có phiên tăng với biên độ lớn sau khi có 4 phiên giảm điểm trong số 7 phiên gần đây. Điều này đã thúc đẩy chứng khoán khu vực có phiên giao dịch khởi sắc.

Cổ phiếu khối khai mỏ như BHP Billiton, Anglo American, Antofagasta, Rio Tinto, Xstrata và Eurasian Natural Resources tăng từ 2,5-6,3%.

Giá dầu thô phiên này đã nhích lên, đưa cổ phiếu khối năng lượng như BP, Royal Dutch Shell, BG Group, Tullow Oil, Repsol, Total và StatoilHydro tăng từ 1,4-4,2%.

Cùng góp sức vào đà tăng của thị trường, cổ phiếu khối ngân hàng như Standard Chartered Bank, HSBC, Barclays, Royal Bank of Scotland, BNP Paribas và Deutsche Postbank tăng từ 1,4-8,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 91,5 điểm, tương đương 2,15%, chốt ở mức 4.340,71. Khối lượng giao dịch đạt 2,44 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 2,01%, khối lượng giao dịch đạt 23,4 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,44%, khối lượng giao dịch đạt 133,76 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên đầu tháng 7

Vào đầu phiên giao dịch buổi sáng, các thị trường lớn đều có xuất phát điểm yếu trước ảnh hưởng của phiên giảm điểm ở Phố Wall. Tuy nhiên đến phiên buổi chiều, các thị trường đã tăng điểm mạnh hơn và duy trì đà tăng đến hết ngày giao dịch.

Điểm khác biệt của thị trường phiên này chính là sự sụt giảm mạnh phiên thứ hai của chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đã có phiên giảm điểm với biên độ lớn - 4,08%, vượt qua mức dự báo của các công ty chứng khoán trong nước.

Chuyển qua diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán Nhật, chỉ số Nikkei 225 phiên đầu tháng 7 đã giảm điểm nhẹ sau khi tăng mạnh phiên trước đó. Thị trường dao động trong biên độ hẹp trước sự đan xen giữa thông tin tích cực và không khả quan.

Trong ngày, chỉ số Nikkei 225 có lúc đã tăng lên 1%, nhưng sự giảm điểm của Orix Corp và All Nippon Airways, đã góp phần quan trọng kéo thị trường đi xuống.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 18,51 điểm, tương đương -0,19%, chốt ở mức 9.939,93. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường có 845 cổ phiếu giảm điểm và có 716 cổ phiếu tăng điểm.

Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, Bộ Kinh tế Tri thức nước này vừa cho biết xuất khẩu trong tháng 6/2009 đã giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, sau khi giảm 28,5% trong tháng 5.

Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 6 lại giảm 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 25,6 tỷ USD. Như vậy thặng dư thương mại của Hàn Quốc trong tháng 6 đã đạt 7,4 tỷ USD.

Ông Lee Dong Geun, Thứ trưởng Bộ Chính sách Thương mại và Đầu tư cho biết, xuất khẩu của Hàn Quốc chuyển biến tích cực hơn là nhờ nhu cầu hàng hóa trên thế giới tăng trở lại và đồng Won mất giá so với ngoại tệ.

Đón thông tin tích cực từ hoạt động thương mại, chỉ số KOSPI đã có phiên tăng điểm với biên độ 1,55%, chốt ở mức 1.411.66.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 2,28%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 1,02%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam sụt giảm 4,08%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 1,65%. Chỉ số ASX của Australia hạ 1,91%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 0,61%.

* Thị trường chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.447,00 8.504,06Up 57,06Up0,68
Nasdaq1.835,041.845,72Up 10,68Up0,58
S&P 500919,32923,33Up   4,01Up0,44
AnhFTSE 1004.249,214.340,71Up 91,50Up2,15
ĐứcDAX4.808,644.905,44 Up 96,80Up2,01
PhápCAC 403.140,44 3.217,00Up 76,56Up2,44
Đài LoanTaiwan Weighted6.432,166.578,97Up146,81Up2,28
NhậtNikkei 2259.958,449.939,93Down18,51Down0,19
Hồng KôngHang Seng18.378,73N/AN/AN/A
Hàn QuốcKOSPI Composite1.390,071.411,66Up21,59Up1,55
Singapore Straits Times2.325,862,347.43Up14,29 Up0,61
Trung Quốc Shanghai Composite2.959,363.008,15Up48,79Up1,65
Ấn ĐộBSE14.595,8514.641,57Up147,73 Up1,02
AustraliaASX3.947,803.872,30Down75,50Down1,91
Việt NamVN-Index448,29430Down18,29Down4,08
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg