07:32 18/12/2008

Phố Wall mất điểm khi hiệu ứng lãi suất USD đã hết

Duy Cường

Ngày 17/12, hiệu ứng tăng điểm sau khi cắt giảm lãi suất đã hết, kéo theo sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đảo chiều xuống điểm sau một ngày tăng mạnh trước đó - Ảnh: Reuters.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đảo chiều xuống điểm sau một ngày tăng mạnh trước đó - Ảnh: Reuters.
Ngày 17/12, hiệu ứng tăng điểm sau khi cắt giảm lãi suất đã hết, kéo theo sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ.

Hôm thứ Ba, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Paulson đã cho biết, trước khi rời nhiệm sở, ông không có kế hoạch đề nghị Quốc hội nước này thông qua việc duyệt chi khoản tiền còn lại (350 tỷ USD) trong gói giải cứu khối tài chính trị giá 700 tỷ USD.

Tuy nhiên ông cũng cho biết, trong trường hợp có những nguy cơ đổ vỡ bất ngờ xảy ra gây nguy hại tới thị trường tài chính, thì ông mới yêu cầu rót tiền để ứng cứu thị trường.

Theo giới phân tích nhận định, với tuyên bố sẽ hành động để cứu ngành công nghiệp ôtô thì rất có thể Nhà Trắng sẽ sớm cần tới tiền từ gói 700 tỷ USD để cứu ngành này.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến ngành ôtô, hãng Chrysler vừa công bố ngừng tất cả các hoạt động sản xuất trong vòng một tháng kể từ ngày 19/12. Tuyên bố này được cho là một cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1%

Một ngày sau khi Tập đoàn Goldman Sachs công bố thua lỗ kỷ lục trong quý 4/2008, Ngân hàng Morgan Stanley cũng đã gây thất vọng lớn khi công bố mức thua lỗ lớn hơn Goldman Sachs.

Theo đó, trong quý 4/2008, Ngân hàng Morgan Stanley đã thua lỗ 2,2 tỷ USD, tương đương 2,24 USD/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức lỗ 33 cent/cổ phiếu mà giới phân tích đã dự báo.

Cũng trong quý 4, Morgan Stanley đã nhận khoản đầu tư trị giá 9 tỷ USD từ ngân hàng hàng đầu của Nhật là Mitsubishi UFJ Financial Group, đồng thời đã chuyển đổi từ môi hình ngân hàng đầu tư sang mô hình ngân hàng tổng hợp (universal bank) với sự kết hợp giữa hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.

Trái ngược với mức thua lỗ kỷ lục của Morgan Stanley, Tập đoàn Nike lại công bố lãi ròng 391 triệu USD, tương đương 80 cent/cổ phiếu trong quý 2, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của Nike (NKE) đã tăng 2,01% trong ngày giao dịch.

Liên quan đến thị trường tiền tệ, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất về 0-0,25%, đồng USD đã mất 2,6% giá trị so với đồng Euro – xuống mức 1,4412 USD “ăn” 1 Euro và USD cũng mất 1,8% giá trị so với đồng Yên Nhật, xuống mức 1 USD đổi được 87,37 Yên.

Chứng khoán Mỹ đã có ngày điều chỉnh giảm sau khi tăng mạnh phiên trước đó nhờ hiệu ứng cắt giảm lãi suất của FED.

Giá dầu có lúc đã xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2004, nên đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng đồng loạt giảm điểm, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil giảm 2,5%, cổ phiếu Chevron mất 2,8%.

Cổ phiếu khối tài chính trong ngày giao dịch cũng giảm mạnh sau một ngày thành công trước đó, với chỉ số S&P Tài chính hạ 1,25%, trong đó cổ phiếu Citigroup giảm 4,86%, cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 1,51%...

Phố Wall mất điểm khi hiệu ứng lãi suất USD đã hết - Ảnh 1
Biểu đồ ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 17/12 - Nguồn: G.Finance

Kết thúc ngày giao dịch: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 99,8 điểm, tương đương -1,12%, đóng cửa ở mức 8.824,34.

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 10,58 điểm, tương đương -0,67%, chốt ở mức 1.579,31.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 8,76 điểm, tương đương -0,96%, đóng cửa ở mức 904,42.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,33 tỷ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,12 tỷ cổ phiếu. Trên cả hai sàn giao dịch, thị trường cứ có 3 cổ phiếu mất điểm thì có 2 cổ phiếu lên điểm.

Chứng khoán châu Âu: Cổ phiếu khối ngân hàng giảm mạnh

Ngày 17/12, cơ quan thống kê châu Âu cho biết, lạm phát ở khu vực đã giảm xuống 2,1% từ 3,2% trong tháng 10/2008 – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá năng lượng và lương thực - thực phẩm thì lạm phát cơ bản của châu Âu tăng 1,9% trong tháng 11, so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá dầu liên tục giảm trong những tháng qua là nguyên nhân khiến lạm phát của khu vực giảm mạnh. Rất có thể, mục tiêu duy trì mức lạm phát dưới 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu là khả thi, dù trong tháng 7/2008, lạm phát ở khu vực đã tăng lên đến 4%.

Chứng khoán châu Âu có diễn biến trái chiều khi thị trường Anh lên điểm trong khi thị trường Pháp và Đức đã giảm điểm với biên độ không đáng kể.

Những lo ngại thua lỗ lớn liên quan đến vụ tình nghi gian lận của ông Bernard Madoff ở Phố Wall đã khiến cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu BNP giảm 17,2%, cổ phiếu Deutsche Bank mất 8,8%, cổ phiếu HSBC, Societe Generale và Natixis giảm từ 5,8-11,9%.

Tuy nhiên, nhờ sức tăng của cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ và dược phẩm nên thị trường Đức và Pháp không bị giảm mạnh.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 15,11 điểm, tương đương 0,35%, đóng cửa ở mức 4.324,19, khối lượng giao dịch đạt 1,85 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 0,46%, khối lượng giao dịch đạt 39 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 0,3%, khối lượng giao dịch đạt 199triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á thận trọng với lãi suất USD mới

Ngay khi mở cửa ngày giao dịch, các chỉ số chứng khoán đã tăng mạnh sau quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đưa mặt bằng lãi suất đồng USD về mức 0-0,25%.

Tuy nhiên, càng về cuối ngày giao dịch, biên độ tăng điểm dần bị thu hẹp với những diễn biến không mấy sáng sủa trên thị trường tiện tệ.

Sau quyết định của FED, USD liên tục mất giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó đồng USD đã giảm giá trị xuống mức thấp nhất trong 13 năm so với đồng Yên.

Cụ thể, trên thị trường Tokyo, 1 USD có lúc đổi được 88,24 Yên trước khi về mức 88,73 Yên/1 USD vào cuối giờ giao dịch.

Đồng USD mất giá sẽ khuyến khích hoạt động xuất khẩu của Mỹ và hạn chế nhập khẩu vào thị trường này. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... sẽ đứng trước khả năng suy giảm.

Do đó, các quyết định mua của nhiều nhà đầu tư trên thị trường châu Á đã giảm dần vào cuối ngày giao dịch và cổ phiếu khối các hãng xuất khẩu có ảnh hưởng tới thị trường cũng giảm mạnh, khiến các chỉ số chứng khoán chỉ tăng nhẹ.

Một ngày sau khi FED hạ lãi suất, Hồng Kông cũng đưa ra quyết định tương tự khi đưa mặt bằng lãi suất đôla Hồng Kông giảm 1%, từ 1,5% xuống còn 0,5%.

Quyết định này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh kinh tế Hồng Kông liên tục tăng trưởng âm trong quý 2 và quý 3/2008 với mức giảm lần lượt là 1,4% và 0,5%.

Phản ứng với việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và Hồng Kông, chỉ số Hang Seng phiên này đã tăng 253,04 điểm, tương đương 1,67 %, chốt ở mức 15.383.25.

Chuyển qua thị trường khác, chứng khoán Nhật đã tăng 0,5% nhờ sức nâng đỡ của cổ phiếu khối ngân hàng, trong đó cổ phiếu Mizuho Financial Group tăng 3,2%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group lên 4,4%, Mitsubishi UFJ Financial Group tiến thêm 2,2%.

Tuy nhiên, sự lên giá của đồng Yên so với USD đã đẩy cổ phiếu khối xuất khẩu giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Honda hạ 4,2%, cổ phiếu Nissan trượt 4,1%, cổ phiếu Kyocera mất 4,4%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 44,5 điểm, tương đương 0,52%, chốt ở mức 8.612,52. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường có 815 mã lên điểm và có 769 mã xuống điểm.

Chuyển qua thị trường Singapore, số liệu thống kê của nước này vừa công bố cho thấy quốc đảo đang phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu (không bao gồm dầu) của Singapore trong tháng 11/2008 đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái- sau khi giảm 15,4% trong tháng 10.

Theo giới phân tích nhận định, với việc hoạt động xuất khẩu suy giảm mạnh thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 2,5% của Chính phủ Singapore sẽ không thể thành hiện thực – đặc biệt là nền kinh tế này vốn đã tăng trưởng âm trong quý 2 và quý 3.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 16,9 điểm, tương đương 0,95%, chốt ở mức 1,798.99.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,67%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,71%. Chỉ số ASX của Australia tăng 0,46%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ hạ 0,27%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,09%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.924,14 8.824,34  Down99,80 Down1,12
Nasdaq 1.589,89 1.579,31  Down10,58 Down0,67
S&P 500 913,18 904,42 Down  8,76 Down0,96
Anh FTSE 100 4.309,08 4.324,19  Up15,11 Up0,35
Đức DAX 4.729,91 4.708,38  Down21,53 Down0,46
Pháp CAC 40 3.251,66 3.241,92 Down  9,74 Down0,30
Đài Loan Taiwan Weighted 4.616,89 4.648,02 Up31,13 Up0,67
Nhật Nikkei 225 8.568,02 8.612,52 Up44,50 Up0,52
Hồng Kông Hang Seng 15.130,20 15.383,25 Up253,04 Up1,67
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.161,56 1.169,75 Up  8,19 Up0,71
Singapore Straits Times 1.782,09 1.798,99 Up16,90 Up0,95
Trung Quốc Shanghai Composite 1.975,01 1.976,82 Up  1,81 Up0,09
Ấn Độ BSE 30 9.887,23 9.948,70 Down28,28 Down0,28
Australia ASX 3.498,90 3.515,00 Up16,10 Up0,46
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg