07:20 08/07/2009

Phố Wall sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần

Duy Cường

Ngày 7/7, chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi có những ý kiến xung quanh việc nên có gói kích thích kinh tế thứ hai

Với phiên giảm điểm này, chỉ số S&P 500 đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/5, còn chỉ số Dow Jones xuống thấp nhất kể từ ngày 28/4 - Ảnh: Reuters.
Với phiên giảm điểm này, chỉ số S&P 500 đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/5, còn chỉ số Dow Jones xuống thấp nhất kể từ ngày 28/4 - Ảnh: Reuters.
Ngày 7/7, chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi có những ý kiến xung quanh việc nên có gói kích thích kinh tế thứ hai.

Hôm thứ Ba, lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện - Steny Hoyer cho biết Chính phủ Mỹ nên để ngỏ khả năng về gói kích thích kinh tế thứ hai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Ông Steny Hoyer cho biết một vài lĩnh vực của nền kinh tế vẫn gặp khó khăn, trong đó thị trường nhà đất đang là điển hình.

Cùng ngày, Laura D'Andrea Tyson, cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama cũng cho biết Mỹ nên lên kế hoạch cho gói kích thích kinh tế thứ hai để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Được biết, gói kích thích kinh tế ở Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Obama có trị giá 787 tỷ USD. Mục đích của quỹ này là nhằm giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái và giúp 4 triệu người có việc làm.

Châm ngòi cho đợt sụt giảm

Những hoài nghi về mức độ phục hồi kinh tế Mỹ còn chưa tỏ thì những thông tin liên quan đến việc cần có gói kích thích kinh tế thứ hai, lại càng làm gia tăng thêm nỗi lo về nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lo ngại về khả năng kết quả kinh doanh quý 2 sẽ không khả quan cũng tác động tiêu cực tới thị trường. Dự kiến đợt công bố kết quả kinh doanh của các tập đoàn sẽ bắt đầu diễn ra từ tuần này.

Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức giảm xấp xỉ 0,3%, nhưng đà giảm cứ tiếp diễn trong cả ngày giao dịch. Vào lúc 11 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số đã giảm hơn 1%.

Tuy nhiên, đến 15 giờ chiều, đà giảm được gia tăng và các chỉ số dần vượt qua mức giảm 1,5% để tiến sát tới mức giảm 2%, thậm chí chỉ số Nasdaq còn giảm hơn 2% khi thị trường khép lại ngày giao dịch.

Với phiên giảm điểm này, chỉ số S&P 500 đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/5, còn chỉ số Dow Jones xuống thấp nhất kể từ ngày 28/4.

Nhiều nhà đầu tư đã phản ứng quá tiêu cực khi đẩy mạnh bán cổ phiếu blue-chip nhiều lĩnh vực và tranh thủ mua vào những cổ phiếu khối phòng thủ như dược phẩm. Điều này cơ bản đã phản ánh chính xác thông qua sự tăng giảm của các cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones.

Các cổ phiếu khối nguyên vật liệu cơ bản, năng lượng và công nghiệp đều có phiên giảm điểm trên 2% - chỉ có 3/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones tăng điểm nhẹ.

Trong đó cổ phiếu khối năng lượng như ExxonMobil giảm 2,26%, cổ phiếu Chevron hạ 2,25%. Cổ phiếu của nhà sản xuất máy móc công nghiệp xây dựng, khai mỏ - Caterpillar mất 4,5%. Các cổ phiếu có sức ảnh hưởng tới Dow Jones như Dupont, General Electric, American Express... đều có mức sụt giảm mạnh.
Phố Wall sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 7/7 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 7/7: chỉ số Dow Jones giảm 161,27 điểm, tương đương -1,94%, chốt ở mức 8.163,6.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 41,23 điểm, tương đương -2,31%, chốt ở mức 1.746,17.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 17,69 điểm, tương đương 1,97%, đóng cửa ở mức 881,03.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,11 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,04 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 10 cổ phiếu giảm điểm thì có 3 cổ phiếu tăng điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: Công bố số liệu về tín dụng tiêu dùng; công bố kết quả kinh doanh của Family Dollar, Alcoa.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố về doanh số bán buôn.

Thứ Sáu: Công bố giá xuất/nhập khẩu; hoạt động thương mại thế giới và công bố chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm phiên thứ tư

Chứng khoán khu vực đã giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp do sự giảm điểm của cổ phiếu khối năng lượng và ngành điện. Tuy vậy, sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng và dược phẩm đã phần nào hỗ trợ thị trường tránh được một phiên giảm điểm mạnh.

Cổ phiếu của GDF Suez, E.ON, National Grid và Centrica giảm từ 1,6% đến 3,8%. Cổ phiếu khối năng lượng như Royal Dutch Shell, Total và Cairn Energy giảm từ 1,1 - 1,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 7,91 điểm, tương đương -0,19%, chốt ở mức 4.187. Khối lượng giao dịch đạt 1,68 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức mất 1,15%, khối lượng giao dịch đạt 20,5 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 1,09%, khối lượng giao dịch đạt 115,19 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Hai nửa đối lập

8 thị trường lớn của chứng khoán khu vực đã có sự phân hóa khi có một nửa tăng và một nửa giảm. Tuy nhiên thị trường có một điểm chung là biên độ tăng giảm đều không đáng kể.

Các thông tin từ bên ngoài cũng như bên trong các thị trường không tạo nên những biến động lớn cho thấy sẽ khó có những thay đổi đột biến trong vài phiên tới.

Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục đà giảm điểm do cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn mất điểm vì đồng Yên lên giá. Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 giảm 33,08 điểm, tương đương -0,34%, chốt ở mức 9.647,79.

Trong một diễn biến đáng chú ý liên quan tới Hàn Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm 2009 - cao hơn so với mức dự báo tăng trưởng âm 4% được đưa ra hồi tháng 4 năm nay.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI phiên này đã tiếp tục tăng điểm phiên thứ hai trong tuần với mức tăng 0,37%, chốt ở mức 1.434,2.

Chuyển qua thị trường Australia, Ngân hàng Trung ương nước này vừa ban hành quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 3%/năm - đây là tháng thứ ba liên tiếp nước này giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản.

Quý 1/2009, nền kinh tế Australia đạt tốc tăng trưởng 0,4%. Báo cáo mới đây cho thấy doanh số bán lẻ ở nước này tăng 1% trong tháng 5, còn ngành dịch vụ trong tháng 6 đã tăng trưởng lần đầu tiên trong vòng 15 tháng qua. Giới phân tích nhận định, nhiều khả năng kinh tế Australia đã tiến triển tốt hơn trong quý 2.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số ASX đã tiếp tục giảm điểm phiên thứ hai trong tuần với biên độ -0,43%, chốt ở mức 3.767,8.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,98%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 1,46%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 1,13%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 0,34%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0,65%. Chỉ số BSE của Ân Độ tăng 0,77%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.324,878.163,60Down161,27Down1,94
Nasdaq1.787,401.746,17Down  41,23Down2,31
S&P 500898,72881,03 Down  17,69Down1,97
AnhFTSE 1004.194,914.187,00Down    7,91Down0,19
ĐứcDAX4.651,824.598,19 Down  53,63Down1,15
PhápCAC 403.082,163.048,57 Down  33,59Down1,09
Đài LoanTaiwan Weighted6.649,916.715,22Up  65,31Up0,98
NhậtNikkei 2259.680,879.647,79Down  33,08Down0,34
Hồng KôngHang Seng17.979,4117.862,27Down117,14Down0,65
Hàn QuốcKOSPI Composite1.428,941.434,20Up    5,26Up0,37
Singapore Straits Times2.262,20 2.273,83 Up    7,74 Up0,34
Trung Quốc Shanghai Composite3.124,673.089,45Down  35,22Down1,13
Ấn ĐộBSE14.200,4914.151,93Up108,53 Up0,77
AustraliaASX3.784,203.767,80Down  16,40Down0,43
Việt NamVN-Index454,27447,63Down    6,64Down1,46
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg