06:45 05/11/2009

Phố Wall tăng điểm trong tiếc nuối

Duy Cường

Chứng khoán Mỹ đồng loại giảm tốc sau khi FED công bố thông tin về chính sách tiền tệ

Lúc FED công bố thông tin về chính sách tiền tệ, Dow Jones vẫn duy trì mức tăng trên 1%, nhưng chỉ tăng 0,31% khi kết thúc ngày giao dịch - Ảnh: Getty Images.
Lúc FED công bố thông tin về chính sách tiền tệ, Dow Jones vẫn duy trì mức tăng trên 1%, nhưng chỉ tăng 0,31% khi kết thúc ngày giao dịch - Ảnh: Getty Images.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhẹ sau khi đánh mất gần hết thành quả đạt được trong ngày giao dịch.

Hôm thứ Tư, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành dịch vụ trong tháng 10/2009 đã giảm xuống 50,6 điểm - thấp hơn so với mức dự báo 51,5 điểm của giới phân tích, từ mức 50,9 điểm trong tháng 9.

Chỉ số này nếu ở trên ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng. Ngành dịch vụ vốn chiếm 2/3 hoạt động kinh tế ở Mỹ, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, hàng không, khách sạn và nhà hàng.

Cùng ngày, ADP Employer Services cho biết, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 203.000 việc làm trong tháng 10/2009, từ mức 227.000 trong tháng 9.

Ngày 6/11 tới, Bộ Lao động Mỹ sẽ chính thức công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10. Theo giới phân tích nhận định, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng qua có thể tăng lên 9,9%, từ mức 9,8% trong tháng 9.

Liên quan đến thông tin đáng chú ý nhất trong ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%, đồng thời cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến triển tốt hơn. FED cũng thông báo sẽ mua 175 tỷ USD giá trị các giấy tờ có giá được Chính phủ bảo lãnh phát hành.

“Chi tiêu của người tiêu dùng đang gia tăng nhưng vẫn bị kìm hãm bởi tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, tốc độ tăng thu nhập chậm chạp và tình trạng thắt chặt tín dụng tiêu dùng”, thông cáo của FED cho hay.

Nasdaq giảm điểm

Dow Jones và S&P 500 đã tăng trên 0,6% giá trị khi mở cửa ngày giao dịch, đây là bước khởi đầu tốt nhất của hai chỉ số này trong nhiều phiên giao dịch qua. Các chỉ số bắt đầu tăng tốc sau khi đón nhận thông tin chỉ số ISM ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng tháng thứ hai (trên 50 điểm) và giới chủ tư nhân cắt giảm lao động trong tháng 10 ít hơn so với tháng 9.

Chỉ mất 20 phút kể từ 10h01 (giờ địa phương), Dow Jones đã tăng từ 0,59% lên 1,46%, S&P từ mức tăng 0,69% lên 1,35%. Thời gian giao dịch sau đó, các chỉ số có xu hướng điều chỉnh nhẹ trước thời điểm FED công bố thông tin.

Lúc 14h15, sau khi FED đưa ra thông cáo về chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán bắt đầu có đợt điều chỉnh rồi tăng vọt lên, tạo lập ngưỡng giá trị cao nhất trong ngày, trong đó Dow Jones lên mức 9.914,59 điểm - tương đương mức tăng 1,55%, chỉ số S&P lên 1.061điểm - tương ứng 1,48%.

Thông báo FED sẽ giữ lãi suất cơ bản ở “mức thấp khác thường” và việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc các ngân hàng phải hạ hạn mức tín dụng đối với thẻ tín dụng, đã tác động xấu tới thị trường, khiến Dow Jones đang tăng hơn 156 điểm đã sụt giảm đà tăng xuống còn mức tăng 30 điểm và S&P từ mức tăng 1,48% xuống còn 0,1%. Thậm chí Nasdaq đã giảm 0,09% khi kết thúc ngày giao dịch, từ mức tăng 1,14% trong phiên buổi sáng.

Các cổ phiếu khối ngân hàng bị đẩy ra bán mạnh nhất vào cuối ngày giao dịch, do nhà đầu tư lo ngại triển vọng lợi nhuận sẽ không khả quan, sau khi Hạ viện thông qua dự luật kiểm soát hạn mức thấu chi thẻ tín dụng.

Các cổ phiếu khối ngân hàng đã có phiên buổi sáng thành công, nhưng khi kết thúc ngày giao dịch đều giảm điểm khá mạnh trước áp lực bán mạnh của thị trường, trong đó cổ phiếu Bank of America hạ 0,68%, cổ phiếu Citigroup mất 1,73%, cổ phiếu JPMorgan trượt 1,15%, cổ phiếu Morgan Stanley giảm 2,05%,…

23/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones tăng điểm, tuy nhiên biên độ tăng của các chỉ số này đều ở mức thấp, dù đầu phiên tăng khá mạnh. Cổ phiếu Merck, McDonald's và Microsoft tăng điểm mạnh nhất với biên độ từ 1,86-6,42%, còn cổ phiếu Kraft và DuPont giảm điểm mạnh nhất với biên độ lần lượt là 3,2% và 1,14%.

Phố Wall tăng điểm trong tiếc nuối - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 4/11 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 4/11: chỉ số Dow Jones tăng 30,23 điểm, tương đương 0,31%, chốt ở mức 9.802,14.

Chỉ số Nasdaq giảm 1,8 điểm, tương đương -0,09%, chốt ở mức 2.055,52.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 1,09 điểm, tương ứng 0,1%, đóng cửa ở mức 1.046,5.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Năm: Báo cáo về doanh thu bán lẻ; Ngân hàng Trung ương châu Âu và Anh (ECB, BoE) công bố về chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản; công bố kết quả kinh doanh của Toyota, Unilever.

Thứ Sáu: Báo cáo về tình hình thất nghiệp trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner có bài phát biểu quan trọng; công bố về số liệu tín dụng tiêu dùng.

Chứng khoán châu Á bật tăng mạnh mẽ

Chứng khoán khu vực đã có phiên tăng điểm đầu tiên sau 3 phiên giảm điểm trước đó, biên độ tăng gần 2% đã xuất hiện ở nhiều thị trường.

Thị trường Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan đã có sự khởi đầu tốt khi mở cửa ngày giao dịch, đà tăng tiếp tục được duy trì cho đến hết ngày giao dịch và các chỉ số đóng cửa với mức tăng gần 2%.

Các thị trường còn lại có mức tăng thấp hơn nhưng cũng đủ để tạo nên bức tranh lạc quan của toàn thị trường khu vực trong phiên ngày 4/11.

Giới quan sát cho rằng, việc Ngân hàng Thế giới (WB) nâng triển vọng kinh tế khu vực Đông Á, là nhân tố tích cực thúc đẩy toàn thị trường lên điểm.

Bên cạnh đó, những phiên giảm điểm khá mạnh trước đó khiến giá nhiều cổ phiếu trở nên hấp hơn để mua vào. Những thị trường có biên độ tăng gần 2% đã thể hiện rõ nhất điều này.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,8% lên 115,22 điểm, thị trường có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, sau ngày nghỉ lễ, chỉ số Nikkei 225 đã mở cửa ngày giao dịch với mức giảm nhẹ, nhưng sau đó đã phục hồi trở lại. Cổ phiếu của nhiều công ty ngành thép, bán lẻ tăng mạnh, là nhân tố hỗ trợ thị trường đi lên.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 41,36 điểm, tương đương 0,42%, chốt ở mức 9.844,31. Khối lượng giao dịch phiên này đạt khá thấp với 1,7 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh thành công, thị trường có 810 cổ phiếu tăng điểm và có 733 cổ phiếu giảm điểm.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đã tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp, đưa chỉ số này có chuỗi tăng điểm dài nhất trong vòng 2 tháng qua. Cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản đồng loạt tăng đã nâng thị trường khởi sắc.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 14,31 điểm, tương đương 0,46%, chốt ở mức 3.128,54. Như  vậy chỉ số này đã tăng được 72% so với cuối năm 2008.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,97%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 0,87%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 1,76%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,94%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 2,67%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 0,39%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.771,91 9.802.14  Up  30,23 Up0,31
Nasdaq 2.057,32 2.055.52 Down    1,80 Down0,09
S&P 500 1.045,41 1.046.50  Up    1,09 Up0,10
Anh FTSE 100 5.037,21 5.107.89  Up  70,68 Up1,40
Đức DAX 5.353,35 5.444.23  Up  90,88 Up1,70
Pháp CAC 40 3.584,25 3.670,33 Up  86,08  Up2,40
Đài Loan Taiwan Weighted 7.322,93 7.467,04 Up144,11 Up1,97
Nhật Bản Nikkei 225 9.802,95 9.844,31 Up  41,36 Up0,42
Hồng Kông Hang Seng 21.240,06 21.614.77 Up374,71 Up1,76
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.549,92 1.579,93 Up  30,01 Up1,94
Singapore Straits Times 2.627,28 2.644.48 Up  22,93  Up0,87
Trung Quốc Shanghai Composite 3.114,23 3.128,54 Up  14,31  Up0,46
Ấn Độ BSE 15.828,01 15.815,54  Up410,60 Up2,67
Australia ASX 4.540,00 4.547,60 Up    7,60 Up0,17
Việt Nam VN-Index 539,65 537,53 Down   2,12 Down 0,39
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg