07:35 14/04/2009

Phố Wall thoát hiểm nhờ khối ngân hàng

Duy Cường

Ngày 13/4, đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng trước triển vọng kinh doanh khả quan, đã giúp chứng khoán Mỹ thoát hiểm

Với phiên tăng điểm này, chỉ số S&P 500 đã phục hồi được 27% so với thời điểm chỉ số này ở ngưỡng thấp nhất trong 12 năm – được thiết lập ngày 9/3/2009 - Ảnh: Reuters.
Với phiên tăng điểm này, chỉ số S&P 500 đã phục hồi được 27% so với thời điểm chỉ số này ở ngưỡng thấp nhất trong 12 năm – được thiết lập ngày 9/3/2009 - Ảnh: Reuters.
Ngày 13/4, đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng trước triển vọng kinh doanh khả quan, đã giúp chứng khoán Mỹ thoát hiểm.

Hôm thứ Hai, trả lời trên kênh truyền hình CNBC, bà Joseph Cohen, Chủ tịch Viện nghiên cứu thị trường toàn cầu Goldman Sachs – nơi cung cấp các nghiên cứu và dịch vụ tư vấn cho các nhà tạo lập chính sách và các nhà đầu tư trên thế giới, đưa ra nhận định thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Chúng ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của nhiều thông tin tích cực hơn, nhưng vẫn phải chú ý rằng chúng ta sẽ còn phải tiếp nhận những thông tin xấu, đặc biệt là tin về tỷ lệ thất nghiệp. Câu hỏi đặt ra đối với nhà đầu tư là liệu có hay không những thông tin xấu đó đã phản ánh trong giá cổ phiếu”, bà Joseph Cohen nói.

Bà Joseph Cohen cũng đưa ra dự báo về khả năng chỉ số S&P 500 - hiện đang ở ngưỡng 850 điểm, sẽ tăng lên 900 điểm vào cuối năm 2009.

Lợi nhuận của Goldman Sachs tăng gần gấp đôi so với dự báo

Ngày 13/4, Goldman Sachs thông báo lợi nhuận trong quý 1/2009 đạt 1,66 tỷ USD, tương đương 3,39 USD/cổ phiếu – tăng gần gấp đôi so với sự báo của giới phân tích và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 11,88 tỷ USD, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh vào thời điểm thị trường đã kết thúc ngày giao dịch, nên không ảnh hưởng tới đà tăng của cổ phiếu trong phiên này.

Trong ngày, Goldman Sachs cũng thông báo sẽ chào bán một lượng cổ phiếu trị giá 5 tỷ USD ra công chúng để đóng góp vào nguồn quỹ cho việc hoàn trả 10 tỷ USD đã vay của Chính phủ Mỹ trong “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP”.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal vừa loan tin Goldman Sachs đang chuẩn bị nhận được 5,5 tỷ USD mà các nhà đầu tư cam kết đóng góp để thành lập một quỹ đầu tư tư nhân nhằm đầu tư chứng khoán trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên sau đó, người phát ngôn của Goldman Sachs đã bác bỏ thông tin này.

Theo giới phân tích nhận định, Goldman Sachs đã cho thấy khả năng vượt khủng hoảng của mình và điều đó đã thể hiện rõ nét hơn khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2009, do đó, việc nhà đầu tư tiếp tục rót vốn cho Goldman Sachs lập quỹ đầu tư là việc không có gì ngạc nhiên.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Goldman Sachs (NYSE-GS) đã tăng 4,68% lên 130,15 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ đã thoát hiểm vào những phút cuối của ngày giao dịch sau khi các chỉ số có được đà tăng mạnh, đưa chỉ số S&P 500 và Nasdaq “xanh” trở lại, trong khi chỉ số Dow Jones giảm điểm với biên độ không đáng kể.

Trong cả ngày giao dịch, ba chỉ số gần như đều ở ngưỡng giá trị thấp hơn phiên cuối tuần trước. Biên độ giảm điểm của ba chỉ số có lúc xuống gần 1,5% giá trị, trước khi bắt đầu phục hồi trở lại cho đến cuối ngày giao dịch.

Đà trượt giảm của cổ phiếu Boeing, General Motors, Exxon Mobil và Chevron đã kéo chỉ số Dow Jones đi xuống - bất chấp đà tăng mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng.

Cổ phiếu Boeing (NYSE-BA) giảm 5,11% xuống 37,15 USD/cổ phiếu sau khi tập đoàn này cho biết, việc cắt giảm sản xuất và giá máy bay giảm mạnh hơn sự báo, sẽ khiến lời nhuận của hãng giảm 38 cent/cổ phiếu.

Theo giới phân tích nhận định, lợi nhuận của Boeing sẽ đạt 1,19 USD/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu General Motors đã giảm 16,2% xuống 1,71 USD/cổ phiếu sau khi có nguồn tin cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đang có những hướng dẫn về các bước để nộp đơn xin phá sản muộn nhất là ngày 1/6 tới, trong trường hợp General Motors không đáp ứng được các điều kiện mà Chính phủ Mỹ đã yêu cầu.

Trái ngược với đà giảm điểm của Boeing, General Motors và cổ phiếu khối năng lượng, cổ phiếu khối tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng lại có được phiên tăng điểm ấn tượng trước triển vọng khả quan về kết quả kinh doanh quý 1/2009.

Chỉ số S&P Tài chính tăng 4,8%, chỉ số KBW Ngân hàng tăng 8%, trong đó cổ phiếu Citigroup tăng 25%, cổ phiếu Bank of America lên 15,4%, cổ phiếu JPMorgan tiến thêm 3%...

Với phiên tăng điểm này, chỉ số S&P 500 đã phục hồi được 27% so với thời điểm chỉ số này ở ngưỡng thấp nhất trong 12 năm – được thiết lập ngày 9/3/2009.
Phố Wall thoát hiểm nhờ khối ngân hàng - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 13/4 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 13/4: chỉ số Dow Jones giảm 25,57 điểm, tương đương -0,32%, chốt ở mức 8.057,81.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 0,77 điểm, tương đương 0,05%, chốt ở mức 1.653,31.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 2,17 điểm, tương đương 0,25%, đóng cửa ở mức 858,73.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,48 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 1,84 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.353 cổ phiếu lên điểm và có 1.358 cổ phiếu mất điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Ba: Công bố doanh số bán lẻ; chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI); công bố kết quả kinh doanh của Johnson & Johnson, Philips Electronics và Intel.

Thứ Tư: Công bố số liệu CPI tháng 3;sản lượng công nghiệp; công bố kết quả kinh doanh của Abbott Labs.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số nhà mới khởi công; số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố kết quả kinh doanh của JPMorgan, Harley-Davidson, Nokia, Southwest Air và Google.

Thứ Sáu: Công bố kết quả thăm dò về lòng tin người tiêu dùng; Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke có bài phát biểu quan trọng; kết quả kinh doanh của Citigroup, GE.

Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp

Ngày 13/4, chứng khoán khu vực đã tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp nhờ tin hỗ trợ từ Trung Quốc và Nhật.

Nhiều thị trường chứng khoán vẫn duy trì đà tăng điểm nhờ gói kích thích kinh tế trị giá 154 tỷ USD mà Nhật vừa công bố và tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc lên mức kỷ lục.

Tuy nhiên, đà tăng điểm của nhiều thị trường đã bị thu hẹp so với phiên trước, thậm chí thị trường Nhật đã giảm điểm nhẹ.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến thị trường không tăng mạnh là do những phản ứng thận trọng của giới đầu tư châu Á trước báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2009 của nhiều tập đoàn lớn như Citigroup, Goldman Sachs, Philips Electronics, Intel, Nokia, JPMorgan, GE... sắp được công bố trong tuần này.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,3% lên 88,26 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 12/1/2009.

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm phiên đầu tuần do nhiều cổ phiếu khối phòng thủ như dược phẩm, điện, bán lẻ... cùng mất điểm.

Cổ phiếu của hãng bán lẻ Fast Retailing giảm 5,8%, cổ phiếu Seven & I Holdings mất 5,2%; cổ phiếu của hai hãng dược phẩm Chugai Pharmaceutical, Daiichi Sankyo giảm lần lượt là 1,4% và 1,9%.

Nguyên nhân khiến chỉ số Nikkei 225 không giảm mạnh trong phiên này chính là nhờ đà lên điểm của cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn và ngân hàng.

Trong đó, cổ phiếu Toyota tăng 0,8%, cổ phiếu Honda lên 0,5%, cổ phiếu Nissan tiến thêm 2,5%; các cổ phiếu khối ngân hàng như Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group tăng lần lượt là 2,7% và 1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 39,68 điểm, tương đương -0,44%, chốt ở mức 8.924,43. Khối lượng giao dịch đạt 2,59 tỷ cổ phiếu, thị trường có 982 cổ phiếu giảm điểm và có 605 cổ phiếu tăng điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này trong quý 1/2009 đã tăng 7,7 tỷ USD lên 1.953,7 tỷ USD - đây là mức tăng thấp nhất kể từ quý 2/2001. Trong quý 4/2008, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng 40 tỷ USD.

Cũng theo thông báo của Ngân hàng Trung ương, Trung Quốc sẽ đảm bảo ổn định tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ và đảm bảo ổn định của hệ thống tài chính.

Thông báo này được phát đi sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố trong tháng 3/2009, các khoản vay mới đã tăng lên 1,89 nghìn tỷ Nhân dân tệ (277 tỷ USD), đưa lượng cung tiền M2 tăng 25,5%.

Trong một báo cáo mới nhất của cơ quan thống kê nước này cho thấy, giá bất động sản ở 70 thành phố chính ở Trung Quốc đã giảm 1,3% trong tháng 3/2009 so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xây dựng trong quý 1/2009 đã giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite phiên này tăng 69,47 điểm, tương đương 2,84%, chốt ở mức 2.513,7.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,31%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ lên 1,03%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 2,2%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 0,17%.

* Thị trường chứng khoán Australia và Hồng Kông và châu Âu nghỉ giao dịch nhân ngày lễ và sẽ mở cửa trở lại vào thứ Ba ngày 14/4.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.083,38 8.057,81Down25,57Down0,32
Nasdaq1.652,541.653,31Up  0,77Up0,05
S&P 500856,56858,73 Up  2,17Up0,25
AnhFTSE 1003.983,71N/AN/AN/A
ĐứcDAX4.491,12N/AN/AN/A
PhápCAC 402.974,18 N/AN/AN/A
Đài LoanTaiwan Weighted5.781,965.857,64Up75,68Up1,31
NhậtNikkei 2258.964,118.924,43Down39,68Down0,44
Hồng KôngHang Seng14.901,41N/AN/AN/A
Hàn QuốcKOSPI Composite1.336,041.338,26Up  2,22Up0,17
Singapore Straits Times1.823,45 1.868,74Up40,23 Up2,20
Trung Quốc Shanghai Composite2.444,232.513,70Up69,47Up2,84
Ấn ĐộBSE 3010.838,6710.915,62Up111,76 Up1,03
AustraliaASX3.617,50N/AN/AN/A
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg