07:45 27/09/2008

Phố Wall vẫn khởi sắc dù Washington Mutual bị thâu tóm

Duy Cường

Ngày 26/9, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vì kế hoạch “giải cứu” Phố Wall có thể sẽ được thông qua vào ngày 28/9

Kế hoạch "giải cứu" Phố Wall được thông qua sẽ là hướng duy nhất giúp thị trường chứng khoán tạm vượt qua khó khăn - Ảnh: AP.
Kế hoạch "giải cứu" Phố Wall được thông qua sẽ là hướng duy nhất giúp thị trường chứng khoán tạm vượt qua khó khăn - Ảnh: AP.
Ngày 26/9, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vì kế hoạch “giải cứu” Phố Wall có thể sẽ được thông qua vào ngày 28/9.

Chứng khoán Mỹ: Các chỉ số mất trên 2% giá trị trong tuần

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 26/9 đã giảm 1,13 USD/thùng, tương đương -1,05%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 108,02 USD/thùng, tăng 4,03% so với tuần trước và thấp hơn 11,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 26/9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, GDP của nước này trong quý 2/2008 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,5% so với dự báo được đưa ra 1 tháng trước đó. Được biết, trong quý 1/2008, GDP của nước này đã tăng 0,9%.

Cùng ngày, hãng Reuters và trường Đại học Michigan đã công bố kết quả thăm dò về lòng tin của người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, chỉ số lòng tin người tiêu dùng nước này đã tăng từ 63 điểm trong tháng Tám lên 70,3 điểm trong tháng Chín.

Liên quan đến vụ phá sản của ngân hàng có lịch sử 119 năm, Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) của Mỹ vừa bị cơ quan chức năng của nước này tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản. Ngay lập tức JPMorgan Chase đã mua lại WaMu với giá 1,9 tỷ USD. Cổ phiếu của WaMu đã giảm 96% trong tuần và xuống mức 1,69 USD.

Trong khi đó, tờ New York Times vừa thông báo, ngân hàng lớn thứ sáu của Mỹ xét về mặt tài sản, Wachovia đang trong tiến trình đàm phán với Citigroup để được sáp nhập với ngân hàng này. Trong khi tờ Wall Street Journal lại cho biết, Wachovia đang đàm phán với Citigroup, Banco Santander và Wells Fargo để sáp nhập.

Tuy nhiên, Christy Phillips-Brown, người phát ngôn của Wachovia đã bác bỏ thông tin này.

Hiện vốn hóa thị trường của Wachovia (tính đến ngày 26/9) đạt 21,6 tỷ USD, Citigroup đạt 109,7 tỷ USD, Santander đạt 99,8 tỷ USD và Wells Fargo là 123,4 tỷ USD.

Liên quan đến gói hỗ trợ 700 tỷ USD nhằm giải cứu khối tài chính Mỹ, trong ngày 26/9, các hạ nghị sỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thể đi đến thống nhất để thông qua gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, hai bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản và rất có thể Quốc hội sẽ thông qua gói hỗ trợ này vào ngày Chủ nhật, 28/9.

Thông tin này đã giúp thị trường chứng khoán đảo chiều lên điểm sau khi giảm mạnh vào phiên buổi sáng do tác động từ vụ phá sản của Ngân hàng Washington Mutual. Dù vậy, trong tuần qua, chứng khoán Mỹ đã có một tuần không thành công khi các chỉ số đều mất trên 2% so với tuần trước.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng 118,2 điểm, tương đương 1,07%, đóng cửa ở mức 11.140,26, giảm 2,18% so với tuần trước và thấp hơn 16,02% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 3,23 điểm, tương đương -0,15%, chốt ở mức 2.183,34, thấp hơn tuần trước 3,98% và giảm 17,68% so với cùng kỳ năm 2007.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 4,09 điểm, tương đương 0,34%, đóng cửa ở mức 1.213,27, mất 3,34% so với tuần trước và giảm 17,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

* Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã đưa 829 mã chứng khoán của các tập đoàn đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào diện bảo vệ đặc biệt bằng cách đưa ra lệnh cấm bán khống đối với các cổ phiếu này. Lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào ngày 2/10.

* Ngày 23/9, ngân hàng số 1 của Nhật, Mitsubishi UFJ Financial Group thông báo sẽ chi 8,5 tỷ USD để mua lại khoản 20% cổ phần của Morgan Stanley.

* Ngày 23/9, Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã công bố mua 5 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi của Goldman Sachs với mức cổ tức 10% và có được chứng quyền để mua lượng cổ phiếu phổ thông trị giá 5 tỷ USD của Goldman ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 5 năm tới, với giá 115 USD/cổ phiếu.

* Ngày 24/9, Ngân hàng Morgan Stanley và Wachovia đã chính thức chấm dứt việc đàm phán để sáp nhập.

* Ngày 25/9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn hàng lâu bền (Durable goods) trong tháng Tám ở nước này đã giảm 4,5% so với tháng Bảy do nhu cầu giảm mạnh. Trong đó, các đơn đặt hàng phương tiện vận tải giảm 8,9% so với tháng trước đó.

* Ngày 25/9, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/9 đã tăng thêm 32.000 lên 493.000, mức tăng cao nhất trong một tuần kể từ ngày 29/9/2001.

* Ngày 25/9, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa thông báo tới 24 quỹ đầu cơ (hedge funds) yêu cầu các quỹ này phải công cố thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của họ đối với các chứng khoán của các tổ chức tài chính.

* Ngày 26/9, Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) của Mỹ vừa bị cơ quan chức năng của nước này tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản. JPMorgan Chase ngay lập tức đã mua lại WaMu với giá 1,9 tỷ USD.

Chứng khoán châu Âu: Tuần giảm điểm mạnh của chứng khoán Anh

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch cuối tuần đã giảm điểm mạnh do lo ngại về những diễn biến không khả quan ở thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách trong tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng châu Âu càng đẩy hệ thống này vào khó khăn khiến cổ phiếu khối này giảm mạnh và góp phần đẩy toàn thị trường đi xuống.

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, cổ phiếu của Royal Bank of Scotland, Credit Suisse, Credit Agricole đã giảm từ 6,6% đến 7,1%, cổ phiếu Deutsche Bank, Societe Generale mất 3,7%...

Sự thận trọng của nhà đầu tư đã thể hiện rõ rệt khi lượng đặt mua trong phiên này đã giảm hẳn, trong khi lệnh bán tăng mạnh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thành công đã giảm mạnh so với các phiên trước đó.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 108,55 điểm, tương đương -2,09%, đóng cửa ở mức 5.088,47, thấp hơn tuần trước 4,2%, khối lượng giao dịch phiên này đạt 2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên cuối tuần mất 1,77%, đóng cửa ở mức 6.063,5, giảm 3,7% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 50 triệu cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,5%, chốt ở mức 4.163,38, giảm 2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 245 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Tuần tăng điểm ấn tượng của Trung Quốc

Các thị trường chứng khoán lớn của châu Á phiên giao dịch cuối tuần đều giảm điểm do gói hỗ trợ cho khối tài chính Mỹ vẫn chưa được thông qua.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) của Mỹ vừa bị cơ quan chức năng của nước này tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản.

Điều này khiến giới đầu tư châu Á tiếp tục lo ngại về những rủi ro có thể xẩy ra trên thị trường tài chính Mỹ, cũng như sức lan tỏa của nó tới thị trường tài chính châu Á.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch cuối tuần đã giảm điểm và xuống mức thấp nhất trong vòng 8 ngày qua. Những lo ngại về gói hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD đối với Phố Wall vẫn chưa được thông qua và tin xấu từ Ngân hàng Washington Mutual, đã kéo chứng khoán Nhật đi xuống.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của nhiều công ty vận tải biển, các hãng xuất khẩu lớn tiếp tục bị mất điểm mạnh. Trong đó, cổ phiếu của CSK Holdings sụt giảm 9,2%, Tokyo Electron mất 5,8%, Kyocera trượt 2,6%, Kawasaki Kisen Kaisha giảm 7,2%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 113,37 điểm, tương đương 0,9%, chốt ở mức 11.893,16, giảm 0,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,82 tỷ cổ phiếu, thị trường có 4 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

Điểm qua các chỉ số khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này mất 2,16%, chốt ở mức 5.929,63, giảm 0,68% so với tuần trước.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,68%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 1.476,33, tăng 1,41% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,33%, đóng cửa ở mức 18.682,09, thấp hơn tuần trước 2,84%.

Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 1,34%, đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần ở mức 2.411,46, giảm 5,56% so với tuần trước.

Chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã giảm điểm do các nhà đầu tư bán cổ phiếu để hiện thực hóa lợi nhuận trước khi thị trường nghỉ giao dịch trong tuần tới nhân ngày lễ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,72 điểm, tương đương 0,16%, đóng cửa ở mức 2.293,78, tăng 10,5% so với tuần trước.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.022,10 11.143,10 Up121,07 Up 1,10
Nasdaq 2.186,57 2.183,34 Down    3,23 Down 0,15
S&P 500 1.209,18 1.213,27  Up    4,09  Up 0,34
Anh FTSE 100 5.197,02 5.088,47  Down108,55  Down 2,09
Đức DAX 6.173,03 6.063,50  Down109,53 Down 1,77
Pháp CAC 40 4.226,81 4.163,38 Down  63,43 Down 1,50
Đài Loan Taiwan Weighted 6.060,83 5.929,63 Down131,20 Down 2,16
Nhật Nikkei 225 12.006,53 11.893,16 Down113,37 Down 0,94
Hồng Kông Hang Seng 18.934,43 18.682,09 Down252,34 Down 1,33
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.501,63 1.476,33 Down  25,30 Down 1,68
Singapore Straits Times 2.444,24 2.411,46 Down  32,78 Down 1,34
Trung Quốc Shanghai Composite 2.297,50 2.293,78  Down    3,72 Down 0,16
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg