[Phóng sự ảnh]: Hội nghị "Gateway to ASEAN” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam
Minh Tú - Anh Duy
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và các công ty đa quốc gia chọn Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là lý do UOB chọn Việt Nam là địa điểm để tổ chức Hội nghị thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024…
Đây là Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sau khi đã diễn ra thành công ở Singapore và Indonesia trong các năm trước đó. Hội nghị năm nay thu hút hơn 600 khách mời là các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu… đến từ các quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kong… tham dự.
“Gateway to ASEAN" năm 2024 được đánh giá là hội nghị mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng thảo luận về giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, giữa các lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực với nhau, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ thu hút thêm được các nhà đầu tư nước ngoài bởi thành phố Hồ Chí Minh được thừa hưởng một cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn mức mặt bằng thể chế của cả nước.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm tài chính quốc tế, đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch,…
Sau các phiên tọa đàm chính thức (được tường thuật trực tiếp trên trang facebook chính thức của VnEconomy) là 03 phiên thảo luận chuyên đề được diễn ra song song cùng một thời điểm với các chủ đề: “Phát triển tại ASEAN thông qua Việt Nam”, “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng” và “Đổi mới sáng tạo với tính bền vững”.
Nội dung các phiên thảo luận này là chia sẻ quan điểm từ các thương hiệu hàng đầu về cách họ thiết lập chuỗi cung ứng, mở rộng sang Việt Nam và phát triển bền vững để nắm bắt các cơ hội tại ASEAN, nơi giao thoa với kinh tế thế giới.
Đặc biệt, với sự tham gia của hơn 600 khách mời là lãnh đạo các bộ ban ngành tại Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông… nhưng thủ tục đăng ký đại biểu đầu giờ vẫn diễn ra suôn sẻ và chuyên nghiệp nhờ kết hợp công nghệ và bố trí nhiều tủ check in khoa học.