[Phóng sự ảnh]: Triển vọng đầy hứa hẹn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan
Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng, cùng chuỗi các sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Quảng Trị và Lào Cai thời gian qua là minh chứng sống động cho quan hệ hợp tác hết sức tốt đẹp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Thái Lan, góp phần làm sâu sắc hơn mối Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan ngày càng gần gũi, tin cậy...
Sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng trong 2 ngày 26 và 27/9 đã thu hút gần 1.000 lượt người tham dự các hoạt động chính thức và hội chợ. Trong đó, hội nghị toàn thể có hơn 300 đại biểu là lãnh đạo một số bộ/ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, các tập đoàn/tổ chức hàng đầu của Thái Lan, cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Thái Lan.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng, cùng chuỗi các sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Quảng Trị và Lào Cai thời gian qua là minh chứng sống động cho quan hệ hợp tác hết sức tốt đẹp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Thái Lan, góp phần làm sâu sắc hơn mối Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan ngày càng gần gũi, tin cậy; phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nổi lên như một điểm sáng.
Tại đây, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Thái Lan đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, du lịch…, để cùng nhau khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).
Đây là bước triển khai cụ thể Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027 và Chiến lược “Ba kết nối” (kết nối chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ lẫn nhau; kết nối nền kinh tế cơ sở, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với địa phương; kết nối chiến lược phát triển bền vững giữa các chính sách kinh tế sinh học - kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam).
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định chính quyền Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Thái Lan nói riêng đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và sinh sống an bình tại thành phố Đà Nẵng.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Thái Lan đạt 6 triệu USD; nhập khẩu từ Thái Lan đạt 42 triệu USD. Đến nay, giá trị đầu tư FDI từ Thái Lan vào Đà Nẵng đạt gần 64 triệu USD với 15 dự án còn hiệu lực, tập trung ở các lĩnh vực thương mại, bán lẻ, sản xuất, may mặc, thiết kế, xây dựng, công nghệ thông tin.
Đặc biệt, kết quả về hợp tác du lịch khá ấn tượng. Tính từ năm 2010, khách Thái Lan đến Đà Nẵng tăng trưởng tích cực thông qua tuyến đường bộ EWEC, sau khi khai trương cầu Hữu nghị bắc qua sông Mekong, và sau đó là việc thiết lập các đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Thái Lan do Bangkok Airways, Air Asia, Vietjet Air khai thác.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có gần 145.000 khách Thái Lan đến Đà Nẵng du lịch (chiếm 7,2% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng) và đứng thứ 3 trong top 10 thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng. Thị trường khách Thái Lan tăng trưởng mạnh, vươn lên vị trí thứ 3 thay thế Nhật Bản trong cơ cấu quốc tịch khách du lịch đến Đà Nẵng.
Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng 2024 tạo cơ hội phát triển hợp tác về thương mại đầu tư để kết nối chuỗi cung ứng, không những hỗ trợ nền kinh tế địa phương mà còn giúp kết nối du lịch giữa Thái Lan và Việt Nam.
Đây là cơ hội để Thái Lan tìm hiểu các chủ trương, chính sách, kế hoạch quy định của Việt Nam cũng như quyền lợi khi doanh nghiệp Thái Lan trong đầu tư, hợp tác để phát triển du lịch bền vững. Hai bên sẽ có những đề xuất cụ thể giúp tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp của Thái Lan và Việt Nam thêm chặt chẽ hơn nữa.
Theo chương trình của hội nghị, có 2 phiên thảo luận.
Phiên thảo luận 1 với chủ đề: Phát triển du lịch bền vững.
Phiên thảo luận 2 với chủ đề: Đẩy mạnh kết nối đầu tư và hội nhập chuỗi cung ứng.
Đây chính là dịp để các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi kết nối cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN.
Trước đó, các địa phương, doanh nghiệp của Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm kết nối doanh nghiệp Đà Nẵng - Thái Lan, các doanh nghiệp nước bạn đã bày tỏ sự quan tâm tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác, đối tác với các doanh nghiệp Đà Nẵng trong các lĩnh vực năng lượng sạch, dầu khí, logistics, bán lẻ, du lịch, dịch vụ, may mặc, nông sản, nội thất, xử lý rác thải công nghiệp, sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, tư vấn, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, giao lưu nhân dân 2 nước.
Thông qua tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đưa ra các sáng kiến nhằm tháo gỡ các nút thắt trong hợp tác, kiến nghị giải pháp để tối đa hóa những điểm tương đồng trong mục tiêu phát triển, triển khai hiệu quả Chiến lược “Ba kết nối”, biến thách thức thành cơ hội, biến áp lực cạnh tranh thành động lực để đổi mới và phát triển.