13:11 08/02/2023

Phục hồi nhanh kinh tế: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tốt hơn nữa

Mộc Minh

Đã đến lúc cần nhìn nhận phải hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy khối doanh nghiệp nội địa phát triển tốt nhất, bởi đây được coi là bộ phận nòng cốt của nền kinh tế nhưng đang bị lép vế so với khối doanh nghiệp FDI…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại sao lại có tình trạng một nền kinh tế tốt nhưng khu vực nội địa lại khó khăn như vậy? Khi những ách tắc về vốn còn liên quan đến ràng buộc thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin - cho… đã khiến “khu vực nội địa" đang bị trói buộc rất nhiều so với khu vực FDI (vốn đầu tư nước ngoài).

TIẾP TỤC GIỮ THUẾ GTGT LÀ 8%

Lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 730 tỷ USD, có được điều này là sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Thông tin này được ông  Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, đưa ra tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây.

Ông Việt Anh thông tin thêm Việt Nam đang đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu tiêu, đứng thứ 3 về dệt may, các ngành khác như: xuất khẩu da giày, trái cây và rau quả, chế biến gỗ, gạo… đều đạt những thành tích hàng đầu. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản cũng đạt 10 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới, hay ngành nhựa cũng đã xuất khẩu được 3,8 tỷ USD… và có tới 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Do đó, để tiếp tục duy trì những thành quả đạt được, ông Việt Anh kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) về 8% như năm 2022 và thời gian giãn thuế GTGT trong 6 tháng. Doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hiện nay đang có thị trường cạnh tranh gay gắt, họ có nhu cầu giảm lãi suất và “liệu cơm gắp mắm”, thay vì nhu cầu vay vốn mới. 

Ông  Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: "Chính phủ cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) về 8% như năm 2022 và thời gian giãn thuế GTGT trong 6 tháng" - Ảnh: PC.
Ông  Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: "Chính phủ cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) về 8% như năm 2022 và thời gian giãn thuế GTGT trong 6 tháng" - Ảnh: PC.

Một vấn đề quan trọng khác là các doanh nghiệp đang rất cần chính sách hỗ trợ để quy hoạch lại nguồn lao động, trong bối cảnh hiện nay người lao động không có việc phải nghỉ Tết sớm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp FDI cũng cho nghỉ việc hàng loạt. Cần có truyền thông và đào tạo cho nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề.

Còn theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng các doanh nghiệp kỳ vọng sự đột phá từ Nghị quyết 01 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác... phải ra được “sản phẩm cụ thể", có các giải pháp trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hằng ngày, hằng giờ.

Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề và đến nay vẫn trong giai đoạn phục hồi. Trong năm 2022, ngành mới chỉ phục hồi khách nội địa, còn khách quốc tế không đạt mục tiêu 5 triệu lượt năm 2022, chỉ đạt  3,5 triệu lượt, trong khi trước năm 2019, khách du lịch quốc tế hơn 18 triệu lượt. Năm 2023, mục tiêu cũng chỉ đưa ra khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Phải tới năm 2025, du lịch mới có thể trở lại như giai đoạn năm 2019 trong điều kiện bình thường, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn.

Ông Tài kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành du lịch ít nhất đến hết năm 2023. Đối với những doanh nghiệp du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

KÍCH THÍCH ĐẦU TƯ, PHẢI GIẢM LÃI SUẤT

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết lãi suất cho vay hiện nay đang quá cao.  Nếu lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư, cần kéo giảm lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng tới đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.

Ông Hoà cho rằng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, hiện các doanh nghiệp đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.  

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp rất mong TP.HCM nối lại chương trình “Cho vay kích cầu đầu tư” để hỗ trợ vốn cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường... Đây là chương trình hỗ trợ vốn rất tốt cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, nhưng bị dừng từ năm 2021 đến nay.

Đặc biệt, ông Hoà nhấn mạnh vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia. Để thu hút nguồn vốn này, các khu công nghiệp phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh, bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Đơn cử, ngành may mặc của Việt Nam đang thiếu đơn hàng trong khi Banglades dư thừa đơn hàng vì tất cả các khâu của họ đã đạt tiêu chuẩn xanh.

Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi để họ vượt qua khó khăn và hướng tới chu kỳ phát triển tiếp theo. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi và thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ nguồn lực đất đai, vì đó là nguồn lực có vai trò mở đường để khơi thông nguồn lực về vốn.

CẦN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA HƠN NỮA

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, từ nửa cuối của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc “khô cạn” nguồn vốn tín dụng. Đáng chú ý, đó là khó khăn của một bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. Tại sao lại có tình trạng một nền kinh tế tốt nhưng khu vực nội địa lại khó khăn như vậy?

Ông Thiên cho rằng những trục trặc này đến từ cấu trúc "nhị nguyên" của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: nền kinh tế FDI (vốn đầu tư nước ngoài) và nền kinh tế bản địa. Trong khi khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt nhưng khu vực nội địa khó khăn. Phân tích cho thấy có 2 điểm cần lưu ý, đó là cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính của Việt Nam, chủ yếu vốn từ nước ngoài nên câu chuyện “khô cạn” về vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng đến FDI. Đây là một trong những lý do rất cơ bản. Phải làm sao tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa? 

Đồng thời, những ách tắc về vốn còn liên quan đến ràng buộc thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin - cho… Do đó, "khu vực nội địa" đang bị trói buộc rất nhiều so với khu vực FDI. Và trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cho vay cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới chi phí vay vốn của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là kênh “bơm vốn” cho nền kinh tế từ đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm…

Theo đó, ông Thiên đưa ra những giải pháp cụ thể. Đối với vĩ mô, cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI. Làm sao để lãi suất ổn định, quá cao như hiện nay sẽ rất khó. Khuyến khích cho doanh nghiệp nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.

Ông Thiên cũng cho rằng để khôi phục niềm tin, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh thì cần tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho doanh nghiệp không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động. Cần những giải pháp đột phá, đột biến bởi nếu chỉ chăm chăm vào tháo gỡ sẽ rất khó.