06:00 01/02/2025

“Phương trình cân bằng” giữa phát triển bền vững và lợi nhuận

Song Hà

Phát triển bền vững và lợi nhuận được ví như là hai vế của một phương trình cân bằng. Lợi nhuận sẽ được tạo ra khi đi trên “con đường” phát triển bền vững, ngược lại, nếu không theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được trong thời đại ngày nay...

Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tàu như: Vinamilk, PNJ, Traphaco, Bảo Việt, Tập đoàn PAN... triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh.
Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tàu như: Vinamilk, PNJ, Traphaco, Bảo Việt, Tập đoàn PAN... triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh.

Từng chia sẻ trước cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), cho biết cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới đang tích cực chuyển đổi một cách quyết liệt và gấp rút để bước từ một nền kinh tế “xám” sang một nền kinh tế “xanh” và bền vững.

Đơn cử, đã có hơn 6.000 doanh nghiệp đại diện cho hơn 1/3 tổng số vốn hóa thị trường toàn cầu xây dựng các mục tiêu dựa trên khoa học để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính của họ.

CẦN DẪN ĐẦU CHỨ KHÔNG ĐI THEO XU THẾ

Ở Việt Nam, kinh doanh “vị lợi nhuận” đang dần bị thay thế bởi kinh doanh “vị tự nhiên”. Những doanh nghiệp đi theo xu hướng phát triển bền vững đã cho thấy sự thích ứng và chống chịu cao trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.

Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tàu như: Vinamilk, PNJ, Traphaco, Bảo Việt, SASCO, Nestlé, Coca-Cola, Tập đoàn PAN, SABECO, C.P, SCG, Greenfeed... đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế...

Tuy nhiên, để tạo dựng nên một “di sản xanh”, cần sự tham gia, hành động của đông đảo doanh nghiệp hơn nữa, chứ không chỉ vài doanh nghiệp thưa thớt.

“Tại sao đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn chần chừ, e ngại chưa tham gia vào tiến trình phát triển bền vững, chưa tạo ra sự tiến bộ chúng ta mong chờ?”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đặt câu hỏi.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn coi phát triển bền vững chỉ như trách nhiệm xã hội, chứ không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, không phải là cách tạo ra giá trị cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng trên toàn cầu (95%) lựa chọn lối sống xanh, bền vững; 85% lựa chọn những sản phẩm dựa trên tiêu chí sản xuất bền vững. Trong 95% người tiêu dùng lựa chọn lối sống xanh, mới có 17% người tiêu dùng toàn cầu có hành động tiêu dùng xanh.

Tại Việt Nam, chỉ có 2% người tiêu dùng thực sự theo đuổi lối sống xanh, nhưng 29% người tiêu dùng ở Việt Nam đang sẵn sàng và đánh giá cao phát triển bền vững, song họ lại chưa đưa ra lựa chọn phát triển bền vững vì nhiều lý do.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi nghi ngờ: người tiêu dùng chưa quyết tâm sống xanh, vậy tại sao doanh nghiệp lại phải làm xanh ngay? Cứ chờ đến khi nào có từ 50% người tiêu dùng trở lên lựa chọn xanh, lúc đó doanh nghiệp mới cung cấp sản phẩm xanh vẫn chưa muộn. Theo ông Binu Jacob, nếu đợi đến thời điểm đó thì quá muộn, vì những thương hiệu tốt nhất sẽ dẫn đầu xu thế chứ không phải đi theo xu thế.

Vậy bằng cách nào để mở ra con đường hướng tới tiêu dùng xanh? Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho rằng doanh nghiệp phải kết nối những giá trị xanh của mình với lối sống của người tiêu dùng.

Từ năm 2021, Nestlé đã dừng không sử dụng ống hút nhựa và phải đối mặt với thách thức: ống hút giấy có giá thành đắt hơn 2,5 lần ống hút nhựa. Để tìm ra cách thức tạo ra giá trị từ ống hút giấy, Nestlé đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chiến dịch “nói không với ống hút nhựa” tại các trường học. Sau 3 tháng, đã có 100 ngàn người tiêu dùng cam kết trực tuyến không dùng ống hút nhựa mà chuyển sang ống hút giấy. Với chiến lược phát triển bền vững như vậy, Nestlé đã có mức tăng trưởng thương hiệu vô cùng lớn.

Khẳng định điều này đúng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí với cả những nhà hàng kinh doanh nhỏ, ông Binu Jacob kể lại, 4 năm trước, lần đầu tiên tới Việt Nam làm việc, ông đã rất ấn tượng với nhà hàng Pizza 4P’s TP.HCM, bởi cách bố trí không gian giống như sân chơi, trong đó có cây xanh, bể cá... Nhà hàng này sử dụng những chiếc lọ nhỏ, trong đó chứa rác thải đã được phân hủy để nuôi giun, vi khuẩn để làm thức ăn cho cá. Nước từ bể cá sẽ được lọc để tưới cây, cá và rau được sử dụng làm các món ăn... tạo ra mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Họ sử dụng túi, bao bì, vật liệu đóng gói hoàn toàn phân hủy được. Chỉ chuỗi cửa hàng nhỏ này đã cắt giảm được khoảng 40 tấn thực phẩm là thức ăn thừa lẽ ra bị thải bỏ ra môi trường hàng năm. Điều này đã đóng góp vào bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường đáng sống hơn. Nếu làm đúng cách sẽ nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp, được khách hàng trân trọng”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.

Đồng tình, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần lan tỏa chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, vì vậy, cũng cần xác định việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, mà tất cả doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia vào cuộc đua xanh này.

Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua các FTA. Các FTA đòi hỏi các nước thành viên phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường – điều cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp lớn cần thúc đẩy, lan tỏa việc chuyển đổi xanh vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHÔNG PHẢI LÀ GÁNH NẶNG

Theo TS. Lê Việt Anh, trong hành trình hướng tới Net Zero, bên cạnh những định hướng của Đảng và Chính phủ, sự sáng tạo tham gia mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Quá trình này phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức. Trong cuộc đua xanh toàn cầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội.

Giờ đây các doanh nhân cần thay đổi tư duy, xác định gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi gắn kết với mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thì doanh nghiệp mới có sự phát triển thành công, bền vững trong thời đại ngày nay.

Tiếp đến là cần thay đổi trong mô hình kinh doanh. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chuyển sang kinh doanh “vị tự nhiên”. Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn cân bằng đa dạng sinh thái là những hướng đi tiên tiến của doanh nghiệp kinh doanh “vị tự nhiên”.

Đồng thời, thúc đẩy thực hành khung ESG trong quản trị doanh nghiệp thông qua việc tận dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0, các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số.

 

"Giờ đây các doanh nhân cần thay đổi tư duy, xác định gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi gắn kết với mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thì doanh nghiệp mới có sự phát triển thành công, bền vững trong thời đại ngày nay".

Trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, chuyển đổi tư duy hoạch định xây dựng chính sách, tư duy quản lý, tư duy giám sát hướng tới đưa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững vào sâu trong “hơi thở” của chính sách, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp theo đuổi thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

“Phương trình cân bằng” giữa phát triển bền vững và lợi nhuận - Ảnh 1