23:11 22/10/2015

“Qua Facebook, Chính phủ gần dân hơn”

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Chúng ta xác định Facebook là công cụ, phương tiện, chứ không có tội lỗi gì"

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Lê Anh Dũng.<br>
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Lê Anh Dũng.<br>
Chính vì Facebook có khả năng tương tác cao, nên người đọc sẽ cảm thấy tự nhiên hơn là truy cập vào trang thông tin điện tử thuần túy của Chính phủ hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao đổi với VnEconomy bên hành lang Quốc hội, chiều 22/10.

Ông Son cũng trả lời nhiều câu hỏi khác của báo chí trước sự kiện Chính phủ "lên" Facebook thời gian vừa qua.

Làm sao để mọi người đều có trách nhiệm

Thưa Bộ trưởng, ông suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?

Đây là việc thuộc về xu thế thôi, không thể khác.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cách đây ít tháng, trong kỳ họp đầu năm, Thủ tướng cũng đã trực tiếp nói, đã trả lời rồi, cung cấp thông tin trên mạng là để công khai tất cả hoạt động cho người dân biết được, để thấy chủ trương chính sách hay những hướng chỉ đạo điều hành, giải pháp điều hành để người dân đồng hành với Chính phủ.

Được cung cấp thông tin đầy đủ thì sự đồng tình ủng hộ sẽ đến tự nhiên, góp phần cùng với Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Một trong những đặc trưng của facebook là tính tương tác rất cao. Người dân có thể thể hiện mọi ý kiến, thái độ và thậm chí cả trạng thái cảm xúc trên đó mà không dễ gì kiểm soát. Đây có phải là điều đáng lo không, thưa ông?

Trên Facebook chính vì khả năng tương tác như thế nên người đọc cảm thấy tự nhiên hơn, có thể "comment", bàn luận về các thông tin đưa ra, người ta cảm thấy tự tin hơn chứ nếu truy cập vào trang thông tin điện tử thuần túy của Chính phủ hiện nay thì ai cũng cảm giác ngại hơn.

Lên Facebook là để Chính phủ gần với người dân hơn. Chẳng hạn như bây giờ, nếu ngồi ở văn phòng, ai có thể đến nói chuyện với Chính phủ được nhưng nếu tôi ngồi ngay chỗ tiếp dân, mọi người có thể đến chứ và ai cũng sẽ cảm thấy cởi mở hơn, rất gần gũi.

Như  ngày xưa chắc ít khi tiếp xúc, hỏi được bộ trưởng, còn giờ thì bạn có thể gửi câu hỏi đến bộ trưởng bất cứ lúc nào, khi đó cảm giác giữa cơ quan nhà nước với người dân sẽ gần hơn, tốt hơn thôi.

Chỉ có điều làm sao để mọi người đều có trách nhiệm với Chính phủ, với chính mình, có phản biện với chủ trương của Nhà nước cũng trên tinh thần xây dựng, bởi mọi chủ trương đều có thể không sát với thực tế 100% được.

Như vậy người ta mới cần sự phản biện của xã hội, vì xã hội có trăm tay nghìn mắt hơn, nhiều trí tuệ sẽ sáng suốt hơn. Đó chính là đóng góp cho chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo ông có nên có sự xuất hiện định kỳ của các thành viên Chính phủ trên trang Facebook của Chính phủ không?

Bây giờ mới chỉ là hoạt động thử nghiệm, sau khi thử nghiệm thì mới tổng hợp để đánh giá xem xét xem tổ chức thế nào cho tốt hơn.

Ví dụ như việc có thể mở ra hướng "comment" các ý kiến theo lĩnh vực, nếu ý kiến nhiều của bộ ngành nào thì dồn vào đó, khi đó ta yêu cầu bộ đó phải giải đáp, cũng như dân hỏi - bộ trưởng trả lời vậy thôi.

Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái

Thực tế trên thế giới, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền thông cho mình, với hàng triệu người theo dõi mà không một tờ báo có thể có lượng độc giả lớn, sát sao đến như vậy, và họ cũng phải đối mặt với tất cả các vấn đề đặt ra. Còn ở ta, dù đã có chỉ đạo từ lâu, việc thực hiện truyền thông trên mạng xã hội dường như vẫn chậm?

Thì giờ ta mới đang làm thí điểm, thử nghiệm từng bước một đấy, với nhận thức là làm cái đó chỉ có tốt thôi, để người dân có điều kiện liên hệ với cơ quan Nhà nước, để quan hệ ngày càng gần gũi hơn.

Mạng xã hội rõ ràng là một phương tiện truyền thông xã hội mà mọi người đều có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình. Ở nước ngoài, người dân chú ý đến những trang mạng mà lãnh đạo tham gia chứng tỏ người ta rất quan tâm đến tình hình đất nước.

Dân mình thì cũng thế, mối quan tâm đến hoạt động của các lãnh đạo cấp cao rất lớn. Chính vì thế cách đây mấy tháng Thủ tướng đã nói, Chính phủ sẽ đưa tất cả thông tin về phát triển kinh tế xã hội, về chủ trương chính sách về chỉ đạo điều hành lên mạng để người dân cùng thấy và cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụphát triển kinh tế xã hội.

Việc thí điểm thì phải dần dần từng bước rồi nhân lên. Trong quá trình đó phải xem rút ra bài học kinh nghiệm xem nên hay không nên làm gì.

Thực tế là sự chuẩn bị dù không phải trong thời gian ngắn nhưng chỉ vừa công bố được hai ngày, trang “Thông tin Chính phủ” dù lượng “like” lên rất nhanh, nhưng đã đối mặt với việc có các trang “mạo danh” ùa theo...

Thực tiễn hiện nay, đang có những thay đổi, tiến bộ xã hội, chúng ta phải thích ứng. Ngày xưa không có truyền hình. Từ báo viết, báo nói, người ta tận dụng sự tích cực này, Facebook là một sự phát triển.

Chúng ta xác định Facebook là công cụ, phương tiện, chứ không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó, tận dụng Facebook như công cụ, phương tiện để người dân tiếp cận gần hơn.

Với những trang có tên miền kiểu gov.vn, nhiều người ngại vào, giống như Chính phủ ngồi trong phòng của Chính phủ, người đến cũng ngại, phòng nhỏ, người vào hạn chế. Trong khi qua Facebook, Chính phủ gần dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn.

Như vậy, người dân sẽ tiếp cận nhiều hơn với thông tin xã hội, nhiều sáng kiến, nhiều y tưởng, của chuyên gia, của người dân. Nhiều ý kiến của người dân rất sáng tạo, Chính phủ nhận thấy điều đó. Cuộc sống, yêu cầu của cuộc sống là mệnh lệnh với người làm chính sách.

Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái, sẽ có nhiều người lợi dụng phương tiện này, ví dụ như họ có thể chèn thông tin xấu vào, nếu mình không có phương tiện cách thức bảo đảm an toàn tốt, dẫn đến việc thông tin bị ảnh hưởng đến chính người dân, khi người dân tưởng đó chính là tin từ Chính phủ.

Hiện nay bảo mật thông tin là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Nước mà sản sinh ra trang này cũng bị thách thức rất nhiều. Các trang của lãnh đạo các nước cũng bị tấn công. Mình không thể nói là đảm bảo thông tin đó không bị tấn công, nhưng cần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ thông tin Chính phủ.