Quản lý điểm đến trở thành xu hướng du lịch 2025
Du khách ngày càng muốn tìm đến những điểm đến ít được biết đến hơn và chính quyền địa phương nhận ra cần quản lý du lịch chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng sẽ còn một chặng đường dài phía trước...
Kể từ khi đại dịch xảy ra, du khách toàn cầu đã phải đối mặt với một loạt các quy định, mức phí và các biện pháp sáng tạo khác nhằm ngăn chặn quá tải du lịch. Các thành phố châu Âu bao gồm Venice và Amsterdam đã áp dụng mức thuế du lịch cao hơn và cấm tàu du lịch ra vào các trung tâm lịch sử. Nhật Bản đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế khách du lịch chụp ảnh tự sướng ở gần Núi Phú Sĩ. Các dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn hạn cũng bị hạn chế, với các điểm nóng du lịch bao gồm New York và Barcelona...
Trong khi đó, cũng vào mùa hè năm 2024, hàng chục nghìn người dân địa phương đã bày tỏ thất vọng ngày càng tăng trước tình trạng quá tải du khách trên khắp châu Âu, bao gồm Tây Ban Nha, Hà Lan và Hy Lạp. Nhiều đoàn người biểu tình thậm chí đã mang theo biểu ngữ “Du khách hãy về nhà!” Những người chỉ trích cho rằng số lượng du khách tăng cao góp phần làm tăng chi phí nhà ở, ảnh hưởng đến cộng đồng và giao thông công cộng đông đúc, cùng với những hậu quả tiêu cực khác.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhấn mạnh đừng mong đợi đám đông sẽ sớm biến mất, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch châu Âu luôn được ưa chuộng như Paris, Barcelona và London vào mùa hè. Audrey Scott, đại diện của Uncornered Market, một công ty tư vấn du lịch bền vững có trụ sở tại Berlin, nhận định 2025 sẽ là năm mà nhiều địa điểm nổi tiếng vẫn phải đối mặt với một số thách thức do quá tải du lịch.
"Đây là vấn đề đã phát sinh trong nhiều năm và chúng ta không thể thay đổi cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước hay phát thải hơn chỉ trong vòng một năm", ông Scott khẳng định.
Thực tế, ngành du lịch vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan có vẻ nghịch lý: vừa muốn thu hút du khách, tăng doanh thu từ du lịch, vừa muốn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, giảm phát thải. Năm 2025, các ngành du lịch đang xem xét một số chiến lược mới để giải quyết vấn đề này. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự thay đổi từ tiếp thị điểm đến sang tập trung vào quản lý điểm đến, cân bằng nhu cầu của điểm đến và người dân địa phương đồng thời tạo ra trải nghiệm tích cực cho du khách.
Điển hình, theo trang Skift, Barcelona đã thay đổi khẩu hiệu du lịch vào tháng 8/2024 từ "Ghé thăm Barcelona" thành "Đây là Barcelona". "Việc các điểm đến có thể hỗ trợ du khách như thế nào để đảm bảo mọi người có khoảng thời gian tuyệt vời nhưng không làm cạn kiệt tài nguyên trở thành trọng tâm của giải pháp. Bởi lẽ, tính bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng", ông Scott giải thích.
Trong khi ngành du lịch và chính quyền địa phương đóng vai trò thiết yếu trong việc thiết lập mô hình du lịch cân bằng thì các chuyên gia cho rằng du khách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu hậu quả tiêu cực của tình trạng du lịch quá mức. Ví dụ, du lịch vào mùa thấp điểm thường có nghĩa là ít đám đông hơn và chi phí thấp hơn.
Ông Scott cho biết: "Tôi nghĩ rằng các điểm đến đã rút ra được bài học từ năm ngoái và đang cố gắng chủ động thực hiện các biện pháp để cân bằng du khách tốt hơn, cho dù đó là đến những nơi ít người ghé thăm hay khuyến khích họ đến vào mùa thấp điểm".
Để hỗ trợ các chính phủ trong việc hoạch định chính sách, mỗi năm, danh sách No List của Fodor’s sẽ giới thiệu những điểm đến nổi bật nhờ vẻ đẹp, văn hóa nhưng đang đối mặt với vấn đề quá tải du lịch. Các điểm đến này thường ưu tiên du lịch hơn bảo vệ quyền lợi của cư dân, dẫn đến quá tải, tổn hại môi trường và giá cả leo thang. Danh sách của Fodor’s không kêu gọi tẩy chay, mà hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và tìm ra giải pháp bảo vệ điểm đến cho các thế hệ sau.
Mới nhất, danh sách này đã khuyến cáo một số điểm nổi tiếng cần được quản lý du lịch mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Chẳng hạn, Kyoto (Nhật Bản) đang đối mặt với hiện tượng quá tải du lịch dù thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp như đặt camera giám sát, thiết lập hệ thống giao hành lý, dựng biển cấm quấy rối, chụp ảnh geisha. Tuy nhiên, du khách thường không có xu hướng tìm hiểu các quy tắc trước khi du lịch nên các chiến lược này dường như chưa hiệu quả, yêu cầu giải pháp cấp tiến hơn.
Tương tự, sự phục hồi du lịch thúc đẩy kinh tế nhưng cũng đặt áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của Bali (Indonesia). Các bãi biển từng sạch đẹp như Kuta và Seminyak nay ngập tràn rác thải. Theo Bali Partnership, liên minh nghiên cứu quản lý rác thải, hòn đảo đang thải ra 1,6 triệu tấn rác mỗi năm, hơn 300.000 tấn là nhựa. Tuy nhiên, chỉ 48% được xử lý đúng cách, 7% rác nhựa được tái chế và 33.000 tấn rác nhựa trôi ra môi trường mỗi năm.
Tiến sĩ Marta Soligo từ Đại học Nevada, Las Vegas chỉ trích tư duy "tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá," nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn, bỏ qua tính bền vững dài hạn. Bà cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, xung đột giữa du khách và cư dân địa phương đang gia tăng tại Bali.
Tại châu Âu, các địa điểm du lịch nổi tiếng đang đối mặt với phản ứng tiêu cực từ người dân địa phương khi lượng du khách quốc tế gia tăng. Nhiều nơi như Lisbon hay Venice chịu áp lực khi số lượng nhà ở cho thuê ngắn hạn tăng vọt, khiến giá nhà tăng cao, dân địa phương phải rời bỏ khu vực sinh sống. Một số địa điểm khác như Agrigento ở Sicily, Italy, nơi chuẩn bị trở thành Thủ đô văn hóa Italy năm 2025, đang đối mặt với khủng hoảng nước nghiêm trọng và lượng khách lớn sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống cung cấp nước vốn ít ỏi…
May mắn thay, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Theo báo cáo Unpack '25 của tập đoàn du lịch Expedia, trụ sở tại Mỹ, 63% du khách tham gia khảo sát cho biết sẽ chọn các điểm đến ít phổ biến cho kỳ nghỉ trong năm 2025. Thay vì ghé Paris, du khách sẽ chọn các thành phố thứ cấp như Reims, vùng đất nổi tiếng với rượu champaigne. Nếu đến Mexico, ngoài Cancun đông đúc, du khách có xu hướng chọn đến Cozumel, thiên đường lặn biển còn hoang sơ...
Thậm chí, các chuyên gia nhận định các khách sạn, resort mới khai trương còn thưa khách và nhiều ưu đãi sẽ gây chú ý với du khách hơn trong năm nay so với các khách sạn nổi tiếng. Một số khách sạn hạng sang khu vực châu Á khai trương trong 2025 được chuyên gia gợi ý gồm khách sạn The Ritz-Carlton, tại Fukuoka, Nhật Bản; khu nghỉ dưỡng The Sira tại Lombok, Indonesia; hay khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Haeundae Busan sẽ khai trương trong năm 2025 tại Hàn Quốc…