16:24 17/01/2025

Nhật Bản giải quyết các thách thức do bùng nổ du lịch

Tường Bách

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong cả năm 2024, ngành du lịch Nhật Bản đã đón 36,87 triệu lượt du khách nước ngoài, một con số cao kỷ lục, vượt xa mức kỷ lục thiết lập trước đó năm 2019…

Ảnh: The Independent
Ảnh: The Independent

Chỉ riêng trong tháng 12/2024, Nhật Bản đón 3,49 triệu du khách nước ngoài. Số liệu đạt mức cao chưa từng thấy, vượt 3,19 triệu khách của tháng 11/2024. Trước đó, số liệu khách du lịch tới đất nước mặt trời mọc vào tháng 11/2024 cũng vượt kỷ lục 3,31 triệu của tháng 10/2024.

Ngoài ra, trong năm 2024, khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản chi trả tới 8,14 nghìn tỷ Yên (khoảng 51,8 tỷ USD) tiêu dùng cho chỗ ở, mua sắm và các chi phí khác. Con số này cũng vượt mức kỷ lục năm 2023 của ngành du lịch Nhật Bản, với 5,31 nghìn tỷ Yên.

Việc đồng Yên giảm 10% so với USD trong năm 2024, và giảm khoảng 30% kể từ năm 2020, được coi là động lực chính thúc đẩy ngành du lịch. Bà Naomi Mano, Chủ tịch công ty quản lý sự kiện và dịch vụ khách sạn Luxurique cho biết: "Với việc đồng Yên Nhật suy yếu, rõ ràng là Nhật Bản sẽ nằm trong danh sách ưa thích của nhiều người khi đi du lịch, và tình hình này có thể được duy trì trong vài năm. Tôi nghĩ, với mức giá của đồng Yên như hiện tại, đây có thể là thời điểm vàng".

Bên cạnh những lợi thế từ đồng Yên, chính phủ nước này đã mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chiến dịch tiếp thị để thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm, từ châu Á cho tới Mỹ và châu Âu. Ông Gary Ng, Viện Nghiên cứu châu Á trung Âu (CEIAS), cho hay: "Nếu chúng ta nhìn vào hoạt động của ngành du lịch trong từ 2 đến 3 năm qua sau đại dịch Covid-19. Ở góc độ thu hút ngoại tệ, có thể thấy ngành này đã thực sự vượt qua chất bán dẫn để trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai ở Nhật Bản, chỉ sau ô tô".

Chỉ riêng trong tháng 12/2024, Nhật Bản đón 3,49 triệu du khách nước ngoài.
Chỉ riêng trong tháng 12/2024, Nhật Bản đón 3,49 triệu du khách nước ngoài.

Công ty du lịch lữ hành JTB dự báo, trong năm 2025, hoạt động du lịch quốc tế tới Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ, với 40,2 triệu lượt du khách, tăng gần 9% so với mức của năm 2024. Kết quả này sẽ giúp Nhật Bản tiến gần hơn tới mục tiêu mà chính phủ đã đề ra là đón 60 triệu lượt du khách/năm vào năm 2030.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng phải đối mặt với một số sức ép từ việc du khách tập trung quá đông vào các điểm đến nổi tiếng như Tokyo, Kyoto và Osaka, dẫn tới tình trạng quá tải. Ông Gary Ng nhận định: "Có thể thấy một số thành phố đang thực sự bắt đầu nghĩ đến việc áp thuế. Điều này sẽ giúp duy trì số du khách ở mức tương đối hợp lý, và nhắm tới đối tượng khách du lịch có mức chi tiêu cao hơn. Họ sẽ hướng đến một cách tiếp cận có chọn lọc hơn".

Điển hình, ngày 14/1, Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng thuế lưu trú tại Kyoto với mục đích triển khai “du lịch bền vững” đáp ứng sự hài lòng của cả người dân, khách du lịch và doanh nghiệp. Từ năm 2018, Kyoto đã áp dụng hệ thống thuế ba bậc cho từng phân khúc khách sạn. Nếu phòng giá dưới 20.000 Yên, thuế lưu trú là 200 Yên một người mỗi đêm; phòng giá 20.000 - 50.000 Yên, thuế lưu trú là 500 Yên; phòng giá trên 50.000 Yên, có thuế lưu trú 1.000 Yên.

Theo đề xuất, hệ thống thuế mới sẽ chuyển từ ba bậc sang năm bậc, cập nhật từ tháng 3/2025. Với phòng có giá từ 100.000 Yên, thuế lưu trú lên tới 10.000 Yên - gấp 10 lần hiện tại. Với hai khách thuê phòng, số tiền cần trả thêm ít nhất là 20.000 Yên, chưa tính 10% thuế tiêu thụ hoặc 10% phí dịch vụ tại nhiều khách sạn.

Dự báo, trong năm 2025, hoạt động du lịch quốc tế tới Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ, với ước tính khoảng 40,2 triệu lượt du khách.
Dự báo, trong năm 2025, hoạt động du lịch quốc tế tới Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ, với ước tính khoảng 40,2 triệu lượt du khách.

Hiện tại, thuế lưu trú đóng góp cho Kyoto khoảng hơn 5 tỷ Yên mỗi năm và con số này ước tính tăng lên hơn 10 tỷ Yên mỗi năm theo đề xuất mới. Dự kiến, hội đồng thành phố sẽ thảo luận đề xuất vào tháng 2. Các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân chia làm hai luồng ý kiến trước kế hoạch. Masaru Takayama, Chủ tịch công ty lữ hành Spirit of Japan Travel có trụ sở tại Kyoto, cho biết: "Nhật Bản là điểm đến giá rẻ với người nước ngoài vì đồng yen yếu nhưng số tiền đó với người Nhật lại khá cao", ông nói, cho biết khách nội địa có thể bỏ qua Kyoto để tìm điểm đến khác.

Một số địa phương khác và các cơ sở du lịch cũng đã thực hiện một số biện pháp riêng như: áp dụng phí vào cửa và giới hạn số lượng người leo núi Phú Sĩ mỗi ngày. Năm ngoái, một rào chắn đã được dựng lên tạm thời bên ngoài một cửa hàng tiện lợi để ngăn mọi người đứng trên đường chụp ảnh ngọn núi Phú Sỹ nổi tiếng... Một số doanh nghiệp du lịch đang xem xét, tìm kiếm các giải pháp chi phí rẻ hơn cho phòng nghỉ của du khách, từ dịch vụ đặt phòng trực tuyến Airbnb đến các khách sạn con nhộng – nổi tiếng “ngột ngạt” tại Nhật Bản.

Nhà phân tích Takuto Yasuda của Viện nghiên cứu NLI nhấn mạnh nền kinh tế Nhật Bản đã được hưởng lợi từ sự gia tăng số lượng khách du lịch nước ngoài vì nó tạo ra việc làm và du khách chi tiền. Dữ liệu của chính phủ cho thấy số lượng du khách nước ngoài đến Tokyo đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019 và tăng 1,5 lần ở riêng Osaka. Để cân bằng mọi thứ, chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược thúc đẩy du khách đến thăm các điểm đến ít được biết đến hơn, khuyến khích họ ở lại ít nhất hai đêm tại các thị trấn nông thôn.

Nhà phân tích Takuto Yasuda đồng ý rằng việc chuyển hướng du khách đến những nơi khác là chìa khóa để giảm bớt áp lực cho các khách sạn trong các thành phố nổi tiếng. "Tỷ lệ lấp đầy khách sạn tại Tokyo vào năm 2024 do nhà điều hành chuỗi khách sạn Fujita Kanko tiếp quản là 88% và giá trung bình tăng 26% so với năm ngoái. Hiện tại, nhu cầu lớn tập trung ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Chúng tôi hy vọng rằng nhu cầu này sẽ lan rộng đến Sapporo, Naha và các khu vực nhỏ hơn khác trong thời gian tới", công ty cho biết.

Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược thúc đẩy du khách đến thăm các điểm đến ít được biết đến hơn.
Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược thúc đẩy du khách đến thăm các điểm đến ít được biết đến hơn.

Ðể thu hút du khách nước ngoài đến các vùng nông thôn, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét thiết lập chương trình hỗ trợ tài chính để mở rộng các chuyến bay đến các sân bay địa phương. 20 khu vực trên cả nước Nhật Bản được chọn làm mô hình tiên phong nhằm nâng cao nhận thức về cách cư xử của khách du lịch. Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhập cảnh ngày một tăng, Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài từ đầu năm 2025.

Hệ thống mới gọi là "thông quan trước" cho phép du khách quốc tế tận dụng thời gian chờ tại sân bay khởi hành để thực hiện hầu hết thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản. Khi đến nơi, du khách có thể nhập cảnh một cách suôn sẻ, nhanh chóng chỉ với một thao tác kiểm tra đơn giản. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định xây dựng các hướng dẫn nhằm ứng phó tình trạng quá tải du lịch. Dự kiến, hướng dẫn sẽ xem xét các vấn đề như phí cầu đường tại các điểm du lịch và áp dụng phí đặc biệt đối với du khách nước ngoài.