10:43 01/09/2010

Quản lý game online: “Kẽ hở” chưa hẳn ở đại lý Internet

Mạnh Chung

Nhiều đại lý Internet vi phạm đã chấp hành qui định, một số là tìm cách lách luật, nhưng vẫn còn những “kẽ hở” khác

Thống kê mới nhất từ 27/29 quận, huyện, tại địa bàn Hà Nội có 313 đại lý Internet cách trường học dưới 200m.
Thống kê mới nhất từ 27/29 quận, huyện, tại địa bàn Hà Nội có 313 đại lý Internet cách trường học dưới 200m.
Khi kiểm tra, yêu cầu phải ngừng cung cấp dịch vụ nhiều đại lý Internet vi phạm đã chấp hành qui định, một số là tìm cách lách luật. Tuy nhiên, “kẽ hở” để quản lý hoạt động game online lại không nằm từ phía các đại lý Internet.

Theo thông tin từ đại diện các quận huyện của Hà Nội tại buổi tổng kết kết quả đợt thanh kiểm tra các đại lý Internet trên địa bàn, do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều ngày 31/8, ở những khu vực tập trung nhiều đại lý Internet nhất, đã có trên 50% thực hiện nghiêm qui định.

Vẫn còn những đại lý lách luật, chống đối

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở, cho biết, tính đến hiện tại, toàn thành phố có 2.110 đại lý Internet. Trong đó, thống kê mới nhất từ 27/29 quận, huyện, Hà Nội có 313 đại lý Internet cách trường học dưới 200m.

Theo báo cáo từ nhiều quận huyện, số lượng đại lý Internet vi phạm cách cổng trường học dưới 200m, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ, đã giảm đi đáng kể. Ví dụ như, Quận Hoàn Kiếm có 15 đại lý vi phạm thì đã có 11 cơ sở đóng cửa, 4 đại lý còn lại đã lập biên bản nhưng chưa đóng cửa; Quận Long Biên có 62 cơ sở thì 32 đã đóng cửa; Quận Thanh Xuân có 10/12…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít đại lý tìm cách lách luật, chống đối khi đã bị các cơ quan liên ngành yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ. Ông Minh dẫn chứng, điển hình như quán Game Đạt 3 tại địa chỉ 116, D4 Giảng Võ. Lực lượng thanh tra đã yêu cầu doanh nghiệp cắt đường truyền, nhưng sau đó, đại lý này lại dùng đường truyền mới.

Đại lý phải ngừng hoạt động cách đây từ nửa tháng, nhưng đến tối 30/8, đơn vị thanh tra của Sở đi kiểm tra vẫn thấy đại lý này hoạt động. “Họ có hẳn tới 3 đường truyền chứ không phải duy nhất một đường truyền đã đăng ký”, ông Minh cho biết.

Thanh tra Sở cũng khẳng định, vẫn còn nhiều đại lý chưa chấp hành nghiêm chỉnh qui định. Nhiều nơi, khi cán bộ kiểm tra một vài cơ sở, thì số còn lại thông báo cho nhau để đóng cửa. Tinh vi hơn, phần lớn các máy trạm đều cài đặt chương trình đóng băng (deep freeze) nên không kiểm tra được các thông tin truy cập trên máy.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, thực tế, thời gian qua, nhiều đại lý Internet không tuân thủ các quy định của pháp luật, để người dùng tùy tiện truy cập các trang thông tin thiếu lành mạnh, gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhưng “kẽ hở” không từ đại lý Internet

Tuy vậy, “kẽ hở” dẫn đến việc quản lý hoạt đông game online, ngay cả khi có những qui định mới để siết chặt không chỉ ở các đại lý Internet.

Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, vấn đề chính còn nằm ở chỗ các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thực hiện nghiêm hay không. Như quán Game Đạt 3 sử dụng đường truyền của FPT. Sở cũng đã gửi thông báo cắt dịch vụ đến nhà cấp dịch vụ Internet này. Nhưng khi kiểm tra lại thì quán này vẫn sử dụng đường truyền của FPT.

Tuy nhiên, cũng có cái khó đứng về phía nhà cung cấp dịch vụ Internet. Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm cố định Viettel Telecom lý giải, tại địa bàn Tp.HCM, cơ quan chức năng lại chỉ yêu cầu cấm game Đột Kích, nhưng những địa phương khác lại không cấm; hay quy định giờ giấc cắt mỗi địa phương lại khác nhau… “Vì thế, chúng tôi không thể cắt chỗ này lại bỏ chỗ kia được, như thế sẽ là không công bằng”, ông Huy nói.

Trong khi đó, đại diện của nhiều quận trên địa bàn Hà Nội cho rằng, rất nhiều đại lý kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, nhưng vẫn hoạt động. Hơn nữa, việc cấp giấy phép hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần có địa chỉ nhà, cá nhân đứng ra đăng ký mở quán là được. Vì thế, các đơn vị này kiến nghị, cần có những quy định mới trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho đại lý, đồng thời phải có sự thẩm định của phòng văn hóa các quận, huyện.

Một chi tiết khá… thú vị là quy định cách cổng trường 200m cũng chưa thực sự cụ thể. Nhiều quán nếu tính đường chim bay thì dưới 200m, nhưng phải đi đường vòng qua tường cạnh cổng trường lại quá 200m, nên không thể đề nghị dừng cung cấp dịch vụ được.

Theo ông Bùi Quang Huy, Nhà nước cần phải có những quy định rõ ràng, chi tiết, đặc biệt trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho các đại lý. Đồng thời, các cơ quan chức năng nên cân nhắc đặt “hộp đen” quản lý đường truyền Internet. Mọi vi phạm của đại lý đều được “hộp đen” này ghi lại và như thế sẽ quản lý hiệu quả hơn.

Mặc dù vậy, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, những biện pháp kỹ thuật chỉ là tạm thời, cái chính là đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, tổng thể từ mọi thành phần trong xã hội, đánh giá đúng mức độ vi phạm, rồi mới cắt các đại lý Internet. Chỉ nên quản lý chặt những đối tượng chơi dưới 18 tuổi, còn trên 18 tuổi người ta phải tự chịu về trách nhiệm, hậu quả.

“Nếu dùng biện pháp kỹ thuật để cắt đường truyền hay đóng các đại lý Internet sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển, sáng tạo về tiếp cận thông tin truyền thông, phát triển công nghệ thông tin. Mà những ngày đầu, nếu không có các đại lý Internet, thì đã không có mức độ sử dụng, phổ biến Internet như ngày nay”, ông Thắng nhấn mạnh.