09:03 30/06/2008

“Quản lý giá ở Việt Nam vẫn còn khác các nước”

Thùy Trang

“Ở ta buôn bán lẻ, riêng rẽ, doanh nghiệp nhỏ rất nhiều, vì thế rất tự phát trong quá trình tăng giá”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh.
“Ở ta buôn bán lẻ, riêng rẽ, doanh nghiệp nhỏ rất nhiều, vì thế rất tự phát trong quá trình tăng giá”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận xét như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh chủ đề lạm phát và quản lý giá tại Việt Nam thời gian qua.

Thứ trưởng có cho rằng 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả?


Chính phủ đã đưa ra 8 gói giải pháp kiềm chế lạm phát vào tháng 4 vừa qua. Sau hai tháng thực hiện, những thông số về kinh tế xã hội tháng 6 cho thấy chính sách đã đi vào cuộc sống và có những biến chuyển tốt, thể hiện ở chỗ giá cả tháng này tăng chỉ còn 2,14%, nhập siêu còn 1,3 tỷ USD.

So với các tháng trước, bao giờ nhập siêu cũng cao hơn 2 tỷ USD, đây là một tín hiệu tốt.

Hơn nữa, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế cao, GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,5%. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu như hiện nay, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy không nước nào trong khu vực vượt con số cao như thế trừ Trung Quốc.

Đây là con số rất đáng khích lệ, cần tiếp tục bảo đảm.

Liệu các chỉ số kinh tế này sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực như vậy trong các tháng tiếp theo không, thưa Thứ trưởng?


Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi tin chắc rằng trong quý 3 tới, với các quyết tâm của Chính phủ, các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tốt hơn.

Liên quan đến việc bình ổn giá, các doanh nghiệp thép cho rằng giữ giá như hiện nay sẽ gây khó cho họ và đề nghị được tăng giá từ từ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Những nhà nhập khẩu trước đây họ nhập phôi thép với giá rất rẻ. Hiện nay, trong bối cảnh giá cả tăng mạnh và Nhà nước chủ trương tiếp tục kiềm chế lạm phát, vì vậy các nhà sản xuất cần tính toán giảm chi phí để đảm bảo làm sao vẫn có lãi.

Tôi nghĩ rằng các nhà sản xuất thép nếu không tăng giá thép thì họ vẫn có lãi, trong bối cảnh họ nhập được phôi thép trước đây rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay.

Giá phân bón tăng nhưng các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất phân bón trong nước cũng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Theo ông, phải giải quyết bài toán cung - cầu như thế nào?


Về nguồn cung phân bón, tôi cho rằng vẫn phải tăng cung theo như khuyến cáo của một số nhà kinh tế.

Tăng cung ở đây chúng ta không chỉ tăng cung ở trong nước mà còn phải có những biện pháp với những mặt hàng mà chúng ta còn thiếu. Chúng ta hạ thuế suất thuế nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung bên ngoài vào nhiều hơn phục vụ cho sản xuất, chứ không phải là những mặt hàng tiêu dùng.

Đồng thời, cũng phải hạn chế cầu. Chính phủ đã có chủ trương giảm cầu bằng cách giảm chi tiêu bao gồm cả tiêu dùng và đầu tư. Do vậy, cầu đã bớt đi. Ngay trong lĩnh vực đầu tư, chúng ta đã cắt giảm 25% đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cũng đã góp phần giảm cầu về xi măng, giảm cầu về thép.

Đặc biệt, hiện nay đang vào mùa mưa nên các công trình xây dựng không triển khai nhiều, xi măng vẫn còn dư trên thị trường, do vậy áp lực tăng giá xi măng, sắt thép trong tháng 6, tháng 7 này là không lớn.

Có nghĩa là tạm thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ủng hộ đề xuất tăng giá do Tổng công ty Thép đề xuất?


Theo ý kiến cá nhân, tôi chưa ủng hộ.

Vì cần phải xem xét rất cụ thể chi phí giá thành của họ như thế nào, cắt giảm chi phí sản xuất ra sao. Phải đặt trong bối cảnh mỗi đơn vị xem xét lại chi tiêu của mình, lúc đó mới quyết định ủng hộ giải pháp tăng giá hay không.

Vậy chúng ta có nên tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính trong quản lý giá không, thưa Thứ trưởng?

Các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp hành chính vừa qua có thể có tác dụng tích cực nhất định, nhưng không nên kéo dài. Theo tôi, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta phải áp dụng theo cơ chế thị trường, không nên thực hiện quá nhiều biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý về quản lý giá ở Việt Nam vẫn còn khác các nước. Tại các nước khác, họ có hệ thống buôn bán rất chặt chẽ bao gồm các siêu thị, chuỗi siêu thị, còn ở ta buôn bán lẻ, riêng rẽ, doanh nghiệp nhỏ rất nhiều, vì thế rất tự phát trong quá trình tăng giá.

Do đó, chúng ta phải tập trung củng cố lại hệ thống đó bằng cách đưa ra các tiêu chí, điều kiện chứ không phải tổ chức lại. Theo đó, các cơ sở kinh doanh, thương mại phải làm theo các tiêu chí, có tăng dự trữ để đảm bảo hoạt động.

Đơn cử như ở Nhật, nếu định tăng giá mặt hàng nào thì họ phải công bố trước cho công chúng ba tháng để tránh những rủi ro của việc tăng giá. Vì rất có thể người tiêu dùng sẽ không dùng sản phẩm đó nữa vì giá tăng. Không riêng ở Nhật, các nước khác cũng rất cân nhắc việc tăng giảm giá, nhiều khi họ không tăng, chấp nhận lỗ để giữ được khách hàng.

Nhưng ở Việt Nam thì không bao giờ có rủi ro đó cả nên họ cứ luôn thích tăng là tăng, giảm là giảm. Do đó, chúng ta phải học cách một số nước để củng cố lại hệ thống thương mại.