07:43 21/03/2024

Quảng Nam: Cần gỡ vướng cho dự án nhà ở xã hội

Ban Mai

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án nhà ở xã hội, với mục tiêu đạt được 19.600 căn nhà ở xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Muốn đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc Nhà nước khuyến khích, ưu đãi đầu tư để các thành phần kinh tế đủ điều kiện tham gia phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp là điều kiện cần thiết.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, việc đầu tư nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp. Do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, nên việc kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc do quy định của pháp luật về công tác lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể; quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp nên trong thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.

Những khó khăn của Quảng Nam không nằm ngoài khó khăn của cả nước. Tỉnh đã có quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội là 112 ha, với kế hoạch thực hiện 14.700 căn nhà. Đến nay, chỉ có 02 dự án với 1.069 căn đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng, 1 dự án với 1.176 căn đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành.

UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể, quỹ đất ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, mức giá đa dạng, phù hợp với thu nhập của người dân nên có nhiều sự lựa chọn, thay vì mua nhà ở tại dự án nhà ở xã hội, khiến cho các nhà đầu tư chưa quan tâm đến loại hình này; các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp, nhiều thủ tục, nội dung phức tạp; một số chủ đầu tư các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.

Mặt khác, việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy trình của Luật Đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian và chi phí cho nhà đầu tư…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; chỉ đạo UBND cấp huyện, cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất, đảm bảo đủ quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, quy hoạch khu công nghiệp; tại các đô thị còn lại (loại IV, loại V).

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các Bộ, ngành có liên quan kịp thời ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội như cơ chế chính sách; về trình tự, hướng dẫn thực hiện; hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 176 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai và 17 dự án mới được chấp thuận nhà đầu tư năm 2022, năm 2023. Đa số các dự án có quy mô vừa và nhỏ, giai đoạn này, điều kiện hạ tầng đô thị chưa phát triển, nguồn lực khó khăn. Quảng Nam thu hút đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp địa phương và lân cận để phát triển hạ tầng và sớm hình thành đô thị…

 

Bộ Xây dựng cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đề xuất nâng điều kiện về thu nhập của người mua nhà lên bình quân 15 triệu đồng/tháng, tăng 4 triệu đồng so với mức đang áp dụng.

Theo Bộ Xây dựng, có 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 47.532 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu về số dự án với 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ. Bắc Ninh dẫn đầu về số lượng căn hộ khi đăng ký hoàn thành 6.000 căn nhà ở xã hội tại 05 dự án.