14:36 16/08/2024

Quảng Nam có 25 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ được công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh

Ngô Anh Văn

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng...

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tại hội thảo.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo chuyên gia về mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam diễn ra vào sáng ngày 15/8 tại Hội An đã nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức du lịch cộng đồng, các chuyên gia du lịch bền vững trong nước và quốc tế tham gia.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết trong 3 năm qua, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Dự án du lịch bền vững Thụy Sỹ tại Việt Nam đã giúp Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng.

Đến nay đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh với cấp độ 2/3 và 3/3 lá sâm Ngọc Linh. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ để được đánh giá công nhận trong thời gian tới.

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) cho biết thông qua SECO, Chính phủ Thụy Sỹ đang hỗ trợ thành phố Hội An (Quảng Nam) trở thành điểm đến du lịch bền vững được công nhận trên toàn thế giới. SECO sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cập nhật tiêu chí du lịch xanh và giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận chứng nhận du lịch bền vững quốc tế.

Đồng thời, SECO cũng khuyến khích đối thoại công - tư để thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách tại địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tập trung trao đổi những nội dung về khả năng áp dụng kinh nghiệm và chứng nhận quốc tế về phát triển du lịch xanh, đổi mới phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến và quảng bá du lịch bền vững tại Quảng Nam; các chính sách nhằm cải thiện và tăng cường tính bền vững của ngành du lịch tỉnh dựa vào kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam 2023...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, kỳ vọng hội thảo là dịp để các bên liên quan nhìn nhận lại những mặt được và chưa được trong tiến trình phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam - hiện đang ở đâu trong bản đồ phát triển du lịch chung của Việt Nam và thế giới.

Phó Chủ tịch Phan Thái Bình đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, khuyến nghị từ các chuyên gia, doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo triển khai tốt các nội dung về phát triển du lịch xanh nhằm thúc đẩy du lịch xanh Quảng Nam phát triển hiệu quả, sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Đoàn Famtrip tham quan thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Xưởng mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, thị xã Điện Bàn.
Đoàn Famtrip tham quan thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Xưởng mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, thị xã Điện Bàn.

Trước đó, ngày 14/8, đoàn đại biểu các Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức quốc tế đã có chuyến famtrip trải nghiệm "Du lịch xanh Quảng Nam" trên địa bàn thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên.

Đoàn đi trải nghiệm tại xưởng đất nung với tên gọi Terra Cotta Studio của nghệ nhân Lê Đức Hạ, cơ sở mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp (Cụm công nghiệp Đông Khương, Điện Bàn); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây và khu sinh thái nhà vườn Triêm Tây (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn).

Đoàn cũng đi khảo sát các điểm du lịch tại làng mộc Kim Bồng; làng nghề thủ công dệt chiếu, đan giỏ bội, thúng chai; tham quan các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, sản xuất mộc, khám phá đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con và nghe câu chuyện về bảo tồn hệ sinh thái; bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên sông; trải nghiệm đời sống sông nước… Qua đó kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm kết nối hợp tác, đầu tư thúc đẩy du lịch xanh nói riêng và du lịch Quảng Nam nói chung.