Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ
Danh sách các dự án, công trình vi phạm về sử dụng đất sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai...
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn số 6783/UBND-KTN về việc kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời đăng tải công khai các dự án, công trình vi phạm về sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng theo các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai hiện hành. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11 hàng năm theo yêu cầu và báo cáo UBND tỉnh; Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Quảng Nam đã tổ chức thanh tra, rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Tại Quảng Nam, có nhiều dự án đang bị treo, bị chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng bởi đại dịch…
Ngoài ra, cũng có hiện tượng không ít doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện nhưng vẫn tìm cách đề xuất dự án và được giao đất, cho thuê đất rồi giữ đất chờ giá trị tăng lên để chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch. Được biết, tính đến ngày 1/3/2022, trên địa bàn tỉnh còn 11 đơn vị tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai; nhiều dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư...