14:46 09/09/2023

Quảng Ninh dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn

Phan Nam

Với việc đưa Vân Đồn lên thành phố, Quảng Ninh sẽ tiếp tục là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước với 5 thành phố trực thuộc tỉnh…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 07/9/2023, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 2726/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập Thành phố Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Phạm vi lập Đề án đề nghị bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới diện tích huyện Vân Đồn, diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 2.171,33km2; với 12 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn Cái Rồng và 11 xã (Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Bản Sen, Thắng Lợi và Ngọc Vừng). Dân số toàn huyện là 49.046 người.

Khu vực nội thị dự kiến (đã được công nhận đô thị loại IV theo Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 21/8/2015 của Bộ Xây dựng) gồm Thị trấn Cái Rồng và các xã Đông Xá, Hạ Long với diện tích 51,33km2; dân số thường trú 32.278 người.

Khu vực ngoại thị gồm 9 xã (Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi và Bình Dân) với diện tích 532,6km2; dân số thường trú 16.768 người.

Như vậy, với việc Vân Đồn lên thành phố, Quảng Ninh sẽ tiếp tục là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước. Hiện Quảng Ninh đang có 4 thành phố là: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có 2 thị xã là Quảng Yên và Đông Triều. Theo quy hoạch, số lượng thành phố tại Quảng Ninh sẽ còn tăng lên nữa.

Cụ thể, ngày 11/02/ 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/QĐ- TTg  Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, thì đến 2025, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 07 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực, mở rộng đô thị lên phía Bắc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I.

Xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà gắn với xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và Khu công nghiệp dịch vụ - cảng biển Hải Hà có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.

Quảng Ninh cũng định hướng phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược,  bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…) và nội vùng, trong đó có  giao thông kết nối các đảo từ Đầm Hà - Cái Chiên - Vĩnh Thực; các đảo của huyện Vân Đồn...

 

Tháng 11/ 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020.

Sau 3 năm thực hiện thí điểm, ngày 11/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.