Quảng Ninh lần đầu tiên đoạt ngôi "quán quân" PCI
Sau bốn năm liên tiếp ở vị trí thứ 1, Đà Nẵng đã nhường chỗ cho Quảng Ninh trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017
Sau bốn năm liên tiếp ở vị trí thứ 1, Đà Nẵng đã nhường chỗ cho Quảng Ninh trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017.
Lễ công bố chỉ số này được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22/3 tại Hà Nội.
Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Thông tin từ VCCI cho biết, cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt
Về kết quả, việc soán ngôi của Quảng Ninh cũng không quá bất ngờ, khi ở bảng xếp hạng năm 2016 Quảng Ninh đã đứng thứ hai với 65,60 điểm, ở trong nhóm điều hành rất tốt.
Có nhiều ý tưởng cải cách, được thực hiện một cách chắc chắn, hiệu quả là những nhận xét đã nhiều lần được dành cho Quảng Ninh, từ cả giới chuyên gia và những người trực tiếp khảo sát PCI.
Đáng chú ý, năm 2017 Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng Facebook. Sáng kiến này giúp tỉnh sớm nắm bắt và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng.
Ngoài ra, để tránh việc tiến hành đối thoại, tiếp xúc theo lối hình thức như trước đây, chính quyền Quảng Ninh đã ủng hộ mô hình "cà phê doanh nhân" do hiệp hội doanh nghiệp yinhr chủ trì, tổ chức định kỳ hàng tháng. Mô hình này tiến hành theo chuyên đề, với sự phối hợp của các sở ban ngành của tỉnh, để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những nỗ lực này đã góp phần đáng kể giúp chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm nay của Quảng Ninh đạt 8,52 điểm, đứng thứ ba trên cả nước, chỉ sau Tp.HCM và Hà Nội.
Nằm trong nhóm "rất tốt" năm nay chỉ có ba tỉnh thành là Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp, đều là những tỉnh có nhiều sáng kiến trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhưng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu PCI thì trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017 chỉ số môi trường cạnh tranh bình đẳng có điểm số thấp nhất. Qua các năm, điểm số chỉ số thành phần này của Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm.
Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong top 5 bảng xếp hạng PCI. Bến Tre lần đầu tiên bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu, với những cải thiện rõ rệt trong chỉ số thành phần Tính năng động tiên phong của chính quyền và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tp.HCM vẫn giữ vững vị trí số 8 còn Hà Nội đã vươn từ vị trí thứ 14 lên thứ 13. Cả hai thành phố lớn nhất nước đều chỉ nằm ở nhóm có chất lượng điều hành khá.
Vị trí cuối bảng đã không còn nằm ở miền bắc như năm trước mà đã được chuyển sang một tỉnh Tây Nguyên là Đắc Nông.