16:34 23/06/2023

Quốc hội thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu của lực lượng công an

Nhật Dương

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 22/6, tại Kỳ họp thứ 5, trong đó đã bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an; tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân...

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh - Quochoi.vn.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh - Quochoi.vn.

Luật mới thông qua cũng quy định, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của hạ sĩ quan tăng từ 45 lên 47; cấp úy tăng từ 53 lên 55; thiếu tá, trung tá tăng từ 55 lên 57 (đối với nam) từ 53 lên 55 (đối với nữ); thượng tá tăng từ 58 lên 60 (đối với nam) từ 55 lên 58 (đối với nữ); đại tá tăng từ 60 lên 62 (đối với nam), từ 55 lên 60 (đối với nữ); cấp tướng tăng từ 60 lên 62 (đối với nam), nữ giữ nguyên 60 tuổi.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 1/1/2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

 

Tuổi nghỉ hưu của hạ sĩ quan tăng từ 45 lên 47; cấp úy tăng từ 53 lên 55; thiếu tá, trung tá tăng từ 55 lên 57 (đối với nam) từ 53 lên 55 (đối với nữ); thượng tá tăng từ 58 lên 60 (đối với nam) từ 55 lên 58 (đối với nữ); đại tá tăng từ 60 lên 62 (đối với nam), từ 55 lên 60 (đối với nữ); cấp tướng tăng từ 60 lên 62 (đối với nam), nữ giữ nguyên 60 tuổi.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan công an là cấp úy, thiếu tá, trung tá; thượng tá, nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 đối với nữ.

Ngoài ra, trường hợp đặc biệt sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ.

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (khoản 4 Điều 1) trong dự thảo Luật đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, có kế thừa quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ cao nhất; phù hợp quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động; bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu của từng vị trí cấp bậc hàm trong công an nhân dân.

Trên cơ sở quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với mỗi cấp bậc hàm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định hạn tuổi phục vụ đối với các chức vụ, chức danh cho phù hợp tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị và vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù của mỗi cá nhân.

Trước đó, lý giải về việc đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại tờ trình dự thảo luật, Bộ Công an cho rằng, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được quy định trên cơ sở điều kiện, môi trường, tính chất công việc và đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân, đồng thời luôn đảm bảo tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với người lao động tăng lên. Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động, vì vậy, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung thay đổi thì cũng cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân cho phù hợp.

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nam sẽ tăng thêm 3 tháng, và nữ tăng 4 tháng. Như vậy, tuổi nghỉ hưu năm 2023 đối nam là từ đủ 60 tuổi 9 tháng, nữ là từ đủ 56 tuổi.

Đây là độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, vẫn có trường hợp người lao động được về hưu sớm hơn 5 năm, thậm chí là 10 năm. Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 5 tuổi.