20:27 27/07/2021

Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025

Quang Trung

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 27/7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 475/477 đại biểu (chiếm 95,19% tổng số đại biểu) tham gia tán thành...

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025.

Đến hết ngày 25/7, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận lại được 369 ý kiến, trong đó có 284 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 85 ý kiến tham gia một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với mục tiêu tổng quát trong dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, đáng chú ý, về các chỉ tiêu chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Chiến lược vaccine toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực.

Do đó, việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo Nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Chính phủ cũng đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội 13 của Đảng thông qua.

Một số mục tiêu cụ thể của kế hoạch là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Một số giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể; khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung 3 đột phá chiến lược...

Một nhóm giải pháp trọng tâm quan trọng là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics; phát triển đô thị và kinh tế đô thị...