07:44 03/04/2025

Quý 1/2025, kinh tế TP.HCM ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong 6 năm

Thanh Thủy

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 1 năm 2025 ước tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay…

Ảnh minh họa - Ảnh: Đồng Quang Trung.
Ảnh minh họa - Ảnh: Đồng Quang Trung.

Chiều 2/4, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội quý 1; nhiệm vụ và giải pháp quý 2/2025. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá kinh tế quý 1 có bước tạo đà khá tốt. Tuy nhiên, ông Được lưu ý cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, giúp nhà đầu tư tin tưởng quay lại.

TĂNG TRƯỞNG KHỞI SẮC Ở HẦU HẾT CÁC LĨNH VỰC

Thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong quý 1/2025, kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Theo đó, tăng trưởng đến từ sự khởi sắc ở hầu hết các khu vực. Trong đó, dịch vụ tăng 8,72%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,94%, nông lâm thủy sản duy trì tăng nhẹ 0,27%. Điều này phản ánh nền kinh tế thành phố phục hồi rõ nét, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2%, cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng cao.

Xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 11,7 tỷ USD (tăng 5,55%), nhập khẩu khoảng 15,6 tỷ USD (tăng 15%). “Mặc dù nhập khẩu tăng nhanh hơn nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, thể hiện tín hiệu tích cực cho những tháng tới”, Sở Tài chính Thành phố cho biết.

Ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng nổi bật với tổng thu quý 1 đạt hơn 56.600 tỷ đồng, tăng gần 27%. Thành phố đón 1,64 triệu lượt khách quốc tế và 8,57 triệu lượt khách nội địa. Kết quả này đến từ nỗ lực xúc tiến, quảng bá, cùng việc ra mắt các sản phẩm du lịch mới, giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 6,8%; riêng bốn ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,4%. Trong đó, các lĩnh vực chế biến, chế tạo phục hồi mạnh như hóa dược – cao su – nhựa tăng trên 15%; sản phẩm điện tử tăng 15,8%; cơ khí và thực phẩm giữ được đà tăng trưởng. Khu vực nông nghiệp ổn định với giá trị sản xuất tăng 0,8%, trong đó thủy sản tăng 4,4% nhờ sản lượng nuôi trồng cải thiện.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều tín hiệu khả quan, đạt hơn 567 triệu USD, tăng 23,4%. Thành phố cấp phép cho 267 dự án FDI mới và chấp thuận 435 lượt góp vốn, mua cổ phần.

"Dù vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn như số doanh nghiệp thành lập mới giảm gần 40%, trong khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có xu hướng tăng, phản ánh áp lực về thị trường và vốn đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa", Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nhìn nhận.

Nguồn: Chi Cục Thống kê, Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Nguồn: Chi Cục Thống kê, Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Về thu ngân sách Nhà nước, trong quý 1 ước đạt hơn 151.000 tỷ đồng, bằng 29% dự toán năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ. Thu nội địa tăng trên 9%, xuất nhập khẩu tăng 2,33%. Đặc biệt, chi đầu tư phát triển tăng mạnh, đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 65%.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư công, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 67.395,86 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 3.237,492 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 64.158,368 tỷ đồng.

Riêng đối với dự phòng ngân sách địa phương là 16.753,192 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để khẩn trương hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư các dự án được dự kiến khởi công mới trong năm 2025 để đảm bảo điều kiện phân bổ vốn thực hiện năm 2025 theo quy định.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Khu vực 2, tính đến ngày 28/3/2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Thành phố đã giải ngân là hơn 3.797 tỷ đồng (đạt 5,4% kế hoạch).

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi Cục trưởng Chi Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế TP.HCM quý vừa qua nếu so với các đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Cần Thơ, hay các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể thấy tăng trưởng GRDP của TP.HCM ở mức tốt hơn.

CẦN NHỮNG ĐỘT PHÁ ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 10%

Chia sẻ tại phiên họp, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng mức tăng trưởng 7,51% là tốt nhưng chưa đạt so với mục tiêu năm nay của TP.HCM.

Năm 2025, TP.HCM được Chính phủ giao tăng trưởng 8,5% và tự đề ra mục tiêu tăng 10%. Do đó, theo kịch bản tăng trưởng cả năm 8,5%, quý 1 phải 8,31 - 8,84% và đi lên liên tục đến cuối năm.

Theo ông Vũ, với quy mô GRDP 1,7 triệu tỷ đồng hiện nay, nếu muốn tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn, Thành phố buộc phải tăng tổng cầu và dồn lực đầu tư.

Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ông Vũ nhấn mạnh cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, thông qua sự dẫn dắt của đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, quỹ đất và thủ tục đầu tư.

Toàn cảnh phiên họp về tình hình, kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2 năm 2025 chiều 2/4 - Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.
Toàn cảnh phiên họp về tình hình, kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2 năm 2025 chiều 2/4 - Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.

Mặt khác, tăng trưởng của TP.HCM còn gắn rất chặt với tăng trưởng toàn vùng Đông Nam Bộ, do đó cần tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy động lực tăng trưởng. Đồng thời, Thành phố cũng cần có giải pháp kết nối cực tăng trưởng phía Đông và phía Nam thành phố, để tối ưu nguồn lực.

Đồng thời, TS. Trương Minh Huy Vũ kiến nghị TP.HCM khoán tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp tư nhân, có thể thông qua cách làm tương tự như khi Thủ tướng đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia các dự án lớn của quốc gia. Với TP.HCM, đó có thể là các dự án nhà ở xã hội, nhà ven kênh rạch, các dự án hạ tầng...

Trong khi đó, Chi Cục trưởng Chi Cục Thống kê Thành phố Nguyễn Khắc Hoàng dự báo kinh tế năm nay theo xu hướng 6 tháng cuối khó khăn hơn nửa đầu năm. Do đó, muốn đạt mục tiêu thì GRDP quý 2 phải tăng tốc hơn để bù đắp khả năng suy giảm hai quý cuối.

 

Trong quý 1, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết trả lời 72 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố” và Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Tổ chức 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài  liên quan đến các lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, lao động,… thu hút 480 lượt doanh nghiệp tham dự (348 doanh nghiệp trong nước và 132 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), giải đáp 94 câu hỏi của doanh nghiệp.

Qua hoạt động đối thoại trực tiếp và trực tuyến, Thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trong đó đã giải quyết 166/166 vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp trong nước, đạt tỷ lệ 100%; tiếp nhận và phối hợp giải quyết 07 vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp nước ngoài.