15:28 17/08/2024

Quy định thống nhất điều kiện về tuổi hưởng lương hưu từ 1/7/2025

Nhật Dương

Việc quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhằm phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết ngoài những điểm mới trọng tâm, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ bảo hiểm xã hội, phù hợp hơn với thực tiễn, trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu.

SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH CHƯA PHÙ HỢP ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu với nam và nữ trong điều kiện lao động bình thường như sau:

Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, và 4 tháng đối với lao động nữ.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định về điều kiện hưởng lương hưu, đó là người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Chính phủ quy định việc hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh hoặc mất hồ sơ, và các trường hợp đặc biệt khác.

Bên cạnh đó, Luật đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể:

(i) Bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày.

(ii) Người lao động được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

(iii) Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc, do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thống nhất tính theo năm.

(iv) Bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

(v) Quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.

(vi) Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết.

(vii) Người lao động được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

(viii) Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

(ix) Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.

(x) Sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.

(xi) Sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc một lần, theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động, không phân biệt trường hợp nào. Khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.

CHUẨN BỊ TỐT KHI TRIỂN KHAI LUẬT 

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Nhiều quy định được sửa đổi đảm bảo hơn quyền lợi người lao động. Ảnh: Mạnh Dũng.
Nhiều quy định được sửa đổi đảm bảo hơn quyền lợi người lao động. Ảnh: Mạnh Dũng.

Theo dự kiến, để quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành 11 Nghị định, các bộ ban hành 3 Thông tư. Cụ thể: (1) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(2) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(3) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP của Chính phủ).

(4) Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

(5) Nghị định quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

(6) Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

(7) Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

(8) Nghị định quy định về hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội.

(9) Nghị định quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội, chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.

(10) Nghị định quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

(11) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

(12) Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(13) Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(14) Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực quản lý để ban hành theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bảo đảm sự phù hợp, và kịp thời triển khai khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành.

 

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bổ sung 3 nội dung mới (Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội); bỏ mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động).

Bổ sung một chương về bảo hiểm hưu trí bổ sung, một chương về quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.