10:33 21/04/2022

Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là đầu mối giao thương với Campuchia và ASEAN

Mộc Minh

Mục tiêu của quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh nhằm phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á…

Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2050.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm 7 đơn vị hành chính (thị trấn Bến Cầu; các xã: Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và Phước Bình, Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng), có tổng diện tích tự nhiên 21.284ha.

Ranh giới quy hoạch: phía Bắc và Đông Khu kinh tế cửa khẩu giáp huyện Bến Cầu, sông Vàm Cỏ Đông; phía Nam giáp tỉnh Long An, phía Tây giáp biên giới Campuchia.

Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2050.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm định hướng phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Quy hoạch cũng kế thừa, cụ thể hoá quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam – Campuchia; quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh và các quy hoạch chuyên ngành khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nhằm xây dựng, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thành vùng kinh tế động lực của quốc gia, cạnh tranh với khu vực và quốc tế; phát triển đầu mối giao thương giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, khu vực ASEAN và thế giới.

Đồng thời, xây dựng Mộc Bài trở thành một đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, hấp dẫn đầu tư và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ các nơi khác đến sinh sống và làm việc.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch với tính chất: là khu kinh tế cửa khẩu - công nghiệp - đô thị tầm quốc gia và quốc tế, tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan, khu thuế quan.

Đây là đầu mối giao thương phía Tây Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với trọng tâm phát triển tập trung vào các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, khu vực ASEAN và thế giới.

Dự báo sơ bộ quy mô dân số của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2030 đạt khoảng 400.000 người, đến năm 2040 đạt khoảng 600.000 người, đến năm 2050 đạt khoảng 1.000.000 người; dự báo đất xây dựng đến năm 2050 sẽ lấp đầy toàn khu kinh tế.

Nhiệm vụ cũng đưa ra những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế như: rà soát tổng thể các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và thực tiễn phát triển đô thị, các khu chức năng trong Khu kinh tế, so sánh các chỉ tiêu phát triển làm cơ sở dự báo quy hoạch; phân tích các động lực mới để dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới đảm bảo định hướng phát triển hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường trong khu vực; đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng đất, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn cần rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, hiện trạng sử dụng đất; quan tâm nhiều hơn những nội dung về hoạt động du lịch, phát triển đô thị, các nội dung về quốc phòng an ninh…

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng, đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh cùng đơn vị tư vấn rà soát, đề xuất các nội dung liên quan đến hợp tác song phương với Campuchia; có một đề án trong đó đề xuất những cơ chế đặc thù cần thiết nhằm đảm bảo thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…

 

Tỉnh Tây Ninh có 2 khu kinh tế cửa khẩu là: Mộc Bài (21.284ha) và Xa Mát (34.197ha).

So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Đây là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, tạo tiền đề phát triển vùng kinh tế năng động Đông Nam Bộ.

Theo trục đường xuyên Á (tuyến đường chạy qua các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và nối với Quảng Tây - Trung Quốc), cửa ngõ Mộc Bài chỉ cáchTP.HCM của Việt Nam khoảng 70 km và thủ đô PnomPenh của Campuchia là 170 km.

Tuyến đường xuyên Á hoàn thành, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh sẽ trở thành giao điểm quan trọng của hệ thống trục giao thông quốc tế, tạo tiền đề phát triển kinh tế cho cả vùng Đông Nam Bộ.