06:50 13/10/2020

Quý và hiếm - hương vị của mùa thu

Nấm Matsutake từng là cống vật quý được dâng lên Nhật Hoàng. Một trong những kiệt tác của loài nấm này rất được ưa thích ở Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và cả Việt Nam.


Matsutake (nấmTùng nhung) mang mùi vị rất đặc thù, thịt nấm dày và béo. Ngoài hàm lượng protein cao, nhiều chất béo, chất xơ, trong thịt nấm còn nhiều loại vitamin như B1, B2, C, PP... Đặc biệt, ngoài giá trị tăng cường sức khoẻ, giúp tiêu hoá tốt, giảm đau, nấm Tùng nhung còn được dùng để làm thuốc điều trị bệnh tiểu đường và chống ung thư.Theo những người may mắn đã từng có cơ hội thưởng thức thì nấm Tùng nhung có mùi thơm và vị ngọt đặc biệt... Với một số người khác, Matsutake chỉ ngọt hơn nấm bình thường một chút, nhưng mùi hương thì quả thật là quyến rũ hiếm có. Mùi thơm ấy vừa nồng nhiệt vừa thanh khiết, mát dịu. Thậm chí, một số đầu bếp còn nói rằng "Matsutake có hương thơm tương tự mùi quế và mùi nhưa thông, cộng vào một chút mùi pho mát chín…"Ở Nhật, nấm Tùng nhung là một nguyên liệu cho phép người ta đánh giá "đẳng cấp" của một món ăn, đồng thời cũng là một thành phần để chấm điểm tay nghề người đầu bếp.
Quý và hiếm - hương vị của mùa thu - Ảnh 1.
Nấm Tùng nhung nổi tiếng vì đắt, không chỉ ở Nhật Bản, Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Tại sao vậy? Câu trả lời thực ra vô cùng đơn giản.Vì hiếm.Khác với những loại nấm mọc trên thân gỗ mục khác, nấm Tùng nhung không thể trồng nhân tạo được, số lượng thu hoạch được hoàn toàn là từ tự nhiên. Thêm nữa, nấm Tùng nhung khác với các nấm khác, chỉ mọc trên rễ của cây thông sống. Tức là thể khuẩn của nấm Tùng nhung bám vào, hoặc ăn sâu vào phần rễ nhỏ của cây thông sống, tạo nên rễ có khuẩn, từ đó nấm mọc lên. Cho nên nấm Tùng nhung không thể trồng nhân tạo. Cách kinh doanh duy nhất hiện nay của các công ty là chỉ là cai quản rừng thông và... đợi nấm Tùng nhung mọc lên.Một điều kiện nữa của nấm Tùng nhung là rễ của cây thông chỉ tập trung trong khoảng 10cm dưới mặt đất. Cho nên thường thì nấm lại mọc ở những vùng núi đất mỏng, cây thông mọc không tốt lắm. Ở những vùng đất tốt, thuận lợi cho rừng thông phát triển, thì lại không phảI là "thánh địa" của nấm Tùng nhung.
Quý và hiếm - hương vị của mùa thu - Ảnh 2.
Từ khoảng cuối tháng 8 tới tháng 11 hàng năm, khi lá cây đồng loạt chuyển sắc, hầu như người sành ăn nào cũng muốn được thưởng thức món cơm nấm và súp Matsutake vào đúng mùa của nó. Khi món ăn được phục vụ, các thực khách thường phàn nàn rằng số lượng nấm Matsutake trong mỗi suất không đủ nhiều để họ ăn cho đã "cơn thèm".
 
Thưởng thức nấm Matsutake, người Nhật có một cách rất tinh tế và đẹp mắt, đó là nấu soup Matsutake trong bình trà. Là một trong những món ăn đặc trưng được chế biến từ loài nấm quý, bạn hãy thưởng thức soup Matsutake trong một ấm trà nhỏ thêm chút nước cốt chanh ngay trước khi uống để cảm nhận vị thanh mát đặc trưng của Matsutake nhưng vẫn ngọt ngào hương thơm của tôm, thịt gà và các loại gia vị riêng biệt của Nhật Bản.
Quý và hiếm - hương vị của mùa thu - Ảnh 3.
Một cách khác đơn giản là Matsutake nướng than hoa và ăn với nước đậu nành hoặc giấm ponzu trong lúc nấm còn nóng. Đó là cách làm đơn giản, nhưng là cách rất tuyệt diệu để thưởng thức được hương vị tự nhiên của nấm Matsutake. Nấm sau khi được lau sạch phần đất bằng khăn ẩm, khứa nhẹ và nướng trên than hoa đến khi hơi xém. Bạn sẽ ngất ngây bởi hương vị tự nhiên, tươi mới của đất, nhựa thông và vị ngọt dường như có thể ngửi thấy.
Quý và hiếm - hương vị của mùa thu - Ảnh 4.
Mang phong vị truyền thống, món cơm Matsutake cũng có nét hấp dẫn riêng. Khi mà vị ngọt tươi của nấm hòa quyện trong từng hạt cơm, bát cơm Matsutake chế biến từ gạo Nhật cao cấp dẻo thơm và là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn thường ngày tại Nhật Bản mỗi độ thu về…