16:02 23/05/2017

Rắc rối chính trị Mỹ đang kéo tụt USD

An Huy

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh hiện đã giảm 6,6% so với mức đỉnh hậu bầu cử Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Từng tăng giá mạnh mẽ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đồng USD đã giảm giá mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Tất cả sự tăng, giảm giá này đều có nguyên nhân liên quan đến ông chủ Nhà Trắng.

Sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump trước ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 năm ngoái, đồng USD bước vào một đợt tăng giá mạnh. Khi đó, giới đầu tư tin rằng chủ trương của ông Trump về cắt giảm thuế, kích cầu bằng chính sách tài khóa, và nới lỏng quy chế giám sát sẽ tạo ra cú hích cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, niềm tin đó giờ đã đảo ngược, và chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh hiện đã giảm 6,6% so với mức đỉnh hậu bầu cử Mỹ. So với thời điểm trước bầu cử, chỉ số này hiện giảm 0,9%.

Giới đầu tư lo ngại

“Từ chỗ là nhân tố tích cực cho đồng USD, Tổng thống Donald Trump đã trở thành một nhân tố tiêu cực. Dòng vốn toàn cầu đang không cảm thấy an toàn khi vào Mỹ”, ông Robert Sinche, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của Amherst Pierpoint, nhận định.

Ngoài những lo ngại về Mỹ, đồng USD còn giảm giá đặc biệt mạnh so với đồng Euro. Đồng tiền chung châu Âu đang tăng giá mạnh nhờ triển vọng khởi sắc của nền kinh tế Eurozone và kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng hiện này.

Giới đầu tư giờ không còn mua đồng USD dựa trên những kỳ vọng tích cực vào Tổng thống Trump nữa, bởi Washington đang bị bủa vây bởi những rắc rối xung quanh cuộc điều tra nhằm xác định liệu có mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Mối lo ở đây là Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng có thể bị phân tâm quá nhiều vì vấn đề này, mà quên việc thúc đẩy một dự luật y tế mới, và tiếp đó là chương trình cải cách thuế - vốn là một chất xúc tác tích cực cho thị trường chứng khoán Phố Wall thời gian qua.

Các chiến lược gia toàn cầu của ngân hàng JP Morgan Chase đã nghiên cứu vị thế (position) của các nhà đầu tư ở một loạt tài sản khác nhau, trong đó có chứng khoán và tiền tệ.

“Chúng tôi kết luận rằng giới đầu tư đã bán gần hết lượng tài sản mà họ mua vào sau cuộc bầu cử dựa trên các kỳ vọng vào chính sách của Tổng thống Trump”, một báo cáo của JP Morgan Chase có đoạn viết.

Trên thực tế, các chiến lược gia của ngân hàng này cho biết các giao dịch liên quan đến Trump (Trump trade) đã bị đảo ngược từ trước làn sóng tin xấu về Tổng thống Trump nổi lên vào tuần trước.

Trong số những thông tin này có việc Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra về nghi vấn có mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga. Ngoài ra, báo chí cũng nói rằng Tổng thống Trump đã tiết lộ thông tin mật với hai quan chức ngoại giao cấp cao của Nga trong cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Ông Sinche nói đồng USD có thể tăng giá trở lại nhờ các ngân hàng trung ương, cụ thể là ECB không có động thái thắt chặt chính sách trong cuộc họp vào ngày 8/6  và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15/6.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng vấn đề chính vẫn nằm ở chính sách của Tổng thống Trump. “Toàn bộ vấn đề là chính sách của ông ấy sẽ như thế nào. Liệu chúng ta có đi đến đâu trong cải cách thuế? Tổng thể pha trộn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thì sao? Mọi người vẫn nghĩ đó sẽ là chính sách tài khóa cực nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng đến giờ mọi chuyện còn chưa ngã ngũ”, ông Sinche nói.

Nhân tố niềm tin

Ông Trump hiện đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, bởi vậy các tin tức về ông đã chuyển sang tập trung về chuyến đi này, thay vì tập trung vào cuộc điều tra như tuần trước.

“Ông ấy đang có một chuyến đi tốt. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Mọi thứ có thể tự điều chỉnh theo hướng tốt, nhưng một khi bạn đã nghi ngờ, một khi bạn đã mất niềm tin, thì rất khó để lấy lại”, ông Sinche tỏ ra thận trọng.

Một số nhà phân tích dự báo tỷ giá USD sẽ bị kẹt ở vùng thấp cho tới khi James Comey, vị cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bị Trump đuổi việc, ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông Comey được cho là đã nói rằng ông Trump yêu cầu ông chấm dứt cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với Nga.

“Đó sẽ là một bước ngoặt xấu đối với đồng USD nếu có chuyện bất lợi xảy đến với ông Trump. Ngược lại, đồng USD có thể tăng giá một chút”, ông Sinche nói.

Ông Alan Ruskin, trưởng bộ phận chiến lược tiền tện G10 thuộc Deutsche Bank, nói rằng các nhà đầu tư đang bán khống đồng USD có vẻ như không lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 6 sẽ đẩy tỷ giá đồng tiền này tăng. Thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào một đợt tăng lãi suất trong tháng 6 của FED, nhưng không mấy tin tưởng sẽ có một đợt tăng lãi suất thứ hai trong năm nay.

“Một điều gì đó tích cực từ chính sách tài khóa của Mỹ sẽ là một nguồn sức mạnh lớn hơn nhiều hỗ trợ cho đồng USD. Tuy nhiên, các chính sách đối nội của Mỹ đang gặp nhiều trở ngại, dù điều này chưa thể dập tắt hoàn toàn những hy vọng về một gói kích cầu bằng tài khóa”, ông Ruskin viết trong một báo cáo.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng đồng USD khó có thể hồi phục trước cuộc điều trần của ông Comey, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.

Ngoài ra, theo ông Sinche, một cú hích tài khóa, chẳng hạn một nỗ lực bất ngờ nhằm thúc đẩy kế hoạch cắt giảm thuế, sẽ là một nhân tố tích cực lớn cho tỷ giá đồng USD.

Ngoài ra, thị trường cũng đang hướng sự chú ý vào FED, đặc biệt là khả năng FED sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất nếu mọi việc trở nên xấu hơn với Tổng thống Trump.

Ông Sinche cho rằng tỷ giá đồng USD đang phản ánh lo ngại của giới đầu tư về chính trị ở Mỹ.

“Đang có một sự bất an đối với dòng vốn quốc tế chảy vào Mỹ… Nếu nhìn vào sự chênh lệch lãi suất, tỷ giá đồng USD lẽ ra phải cao hơn 3% so với mức hiện tại của nó”, vị chuyên gia nói.